(CMO) Sự nghiệp giáo dục của tỉnh giờ khởi sắc. Trường lớp khang trang, học sinh không còn cảnh học ca 3 như trước; sân trường, thư viện được đầu tư để các em thoả sức vui chơi... Đó là bức tranh chung về nhiều ngôi trường, song hiện tại việc đi tìm con chữ của trẻ em vùng sâu vẫn còn lắm nhọc nhằn.
Vượt qua hơn 10 km trên con lộ đất ngoằn ngoèo, chông chênh, chúng tôi mới đến được điểm lớp học nằm sâu trong Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Lớp học cũ kỹ, nền trường lún sụp, sân trường không có là ấn tượng đầu tiên về ngôi trường điểm lẻ Trịnh Minh Hưởng. Có lẽ, ở vùng đất này có được một mái trường, tuy thiếu thốn trăm bề nhưng là niềm hy vọng, là nơi nuôi dưỡng ước mơ tri thức của không ít đứa trẻ.
Nhọc nhằn đường đến trường
Vì là vùng đất nghèo nên chuyện học hành của những đứa trẻ tại Ấp 10, một trong những ấp trên lâm phần rừng tràm đặc biệt khó khăn của Nguyễn Phích vẫn còn nhiều gian nan và thử thách. Cứ độ tờ mờ sáng, trên con đường đất nhỏ, xa xa mới có một bóng nhà, người ta lại thấy thấp thoáng dáng áo trắng đạp xe đi học, đứa nào không có xe thì phải cuốc bộ, đứa nào có điều kiện hơn thì được cha mẹ đưa xuồng đến trường.
Học sinh ở Ấp 9, xã Khánh Hội, đến trường. |
Thầy Lâm Bửu Lâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trịnh Minh Hưởng, trăn trở: “Nhiều em tới tuổi đi học nhưng theo cha mẹ ra các tỉnh khác làm ăn rồi việc học vì vậy mà dở dang luôn. Năm nay trường chỉ có lớp 1, lớp 3 và lớp 5, năm sau thì sẽ có lớp 2 và lớp 4. Em nào ở lại bám trường thì thầy cô cũng hết mình chăm lo”.
Ông Huỳnh Góp Công, vị trưởng ấp già sống hơn chục năm cạnh trường, từng chứng kiến mấy lần trường được sơn sửa rồi lại hư hỏng. Nhìn về phía mấy đứa nhỏ hồn nhiên đang say sưa thực hiện bài tập thể dục trước nền đất lởm chởm cỏ, ông trầm ngâm: “Ở đất lâm phần rừng tràm cái nghèo là một nỗi ám ảnh lâu năm, nghèo kéo theo nhiều cái khổ lắm. Ở kế bên nhà bán cóc ken cho mấy đứa nhỏ chớ thiệt ra tụi nó đi học cũng có được bao nhiêu tiền đâu. Cục kẹo, cái bánh là vui rồi. Tháng mưa thì khỏi nói, lộ đất thêm cỏ mọc, đứa nào nhà có xuồng cha mẹ đưa đi còn đỡ, đứa nào lội bộ đi học thì lấm lem bùn đất. Thời này rồi mà đi học còn vất vả vậy đó! Trường hư hỏng nhiều lần nhưng chỉ sửa chữa chắp vá. Cũng có lúc dự định xã hội hoá xây lại mà bà con ở đây còn khổ quá, cái ăn cái mặc hằng ngày đã là một việc khó, ráng đưa con em tới trường học đều đặn đã là chuyện mừng rồi, ai cũng như ai lấy đâu ra tiền mà vận động xây trường”.
Cũng không khác gì điểm lẻ của trường Tiểu học Trịnh Minh Hưởng, con đường đến trường của học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám, điểm lẻ Nhà Thiếc, Ấp 9, xã Khánh Hội, cũng là một ngày gian khó. Nằm chơi vơi như một ốc đảo, muốn đến được trường không có con đường nào khác là phải băng đường ruộng hoặc là đi xuồng.
Giữa cái nắng gay gắt của tháng 3 này, thầy Trần Vũ Ca, giáo viên trường Tiểu học Lê Văn Tám lái chiếc vỏ máy cũ đón chúng tôi vào trường. Con kinh nhỏ xíu hai bên um tùm cỏ sậy là con đường đến trường hằng ngày của mấy đứa trẻ vùng quê này. Cũng lạ, giữa khó khăn vậy mà thấy thầy trò ai cũng lạc quan, hớn hở, chắc có lẽ cái nhọc nhằn đã trở thành một người bạn đồng hành quen thuộc nên họ không thấy gì lạ nữa.
Thầy Ca cho biết: “Thầy giáo và học sinh cũng khổ như nhau, đường đi khó nhọc, trường lại nằm sâu trong vùng quê nên khổ hơn người ta là chuyện dễ hiểu. Có bữa học sinh bỏ học vì không có xuồng tới trường”.
Quyết tâm bám chữ
Thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhọc nhằn con đường đến trường vẫn không làm cho những thầy giáo, cô giáo, học sinh vùng sâu chùn bước trên con đường tìm đến tri thức. Những ước mơ, khát khao về một tương lai tươi sáng đã tiếp thêm động lực cho những đứa trẻ nơi đây đến trường.
Giờ học thể dục của học sinh Trường Tiểu học Trịnh Minh Hưởng. |
Ngôi nhà nhỏ khoảng 20 m2, mái lá lụp xụp, hàng cột nhỏ xiêu vẹo là nơi ở của gia đình chị Trần Thị Ngọc Nữ (31 tuổi, Ấp 9, xã Khánh Hội). Do không có đất sản xuất, thuộc diện hộ nghèo, nhà đông con nên chồng chị suốt ngày phải bán lưng giữa nắng gió ngoài biển, còn chị ở nhà chăm 3 đứa con nhỏ.
Em Hồ Văn Tới, con trai lớn chị Nữ năm nay đã 12 tuổi, học lớp 4 tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Có lẽ do cuộc sống thiếu thốn, vất vả nên nhìn em nhỏ và thấp người hơn bạn bè cùng trang lứa. Khi được hỏi về ước mơ tương lai, Tới hồn nhiên trả lời: “Em muốn đi học để sau này làm công an”. Còn chị Nữ tâm tình: “Nhà nghèo lắm, ngày nào có tiền thì được 5.000 đồng, ngày nào túng quá thì 2.000 đồng cho nó ăn cái bánh. Hai vợ chồng gần như mù chữ luôn, tụi nhỏ đi học về rồi cũng tự học chớ biết gì đâu mà dạy, hằng ngày chỉ động viên con gắng học tử tế để sau này không khổ như cha mẹ nó thôi”.
Thầy Ca bộc bạch: “Dù khó khăn nhưng các cháu đều đặn đến trường là mừng rồi. Có người khổ lắm không có xuồng máy mà đường lại cách sông nên ngày nào cũng phải bơi xuồng đưa con đi học, mình thấy vậy cũng cố gắng hết sức để dạy mấy đứa nhỏ nên người”.
Ở vùng đất nghèo, khi mà con người ta đang loay hoay bên gánh nặng mưu sinh thì con chữ, tri thức, ước mơ về một tương lai tốt đẹp có lẽ cũng rất xa vời, nhưng họ chưa bao giờ thôi hy vọng. Và giữa cái nắng gay gắt, người phụ nữ lấm tấm mồ hôi, cố hết sức bơi chiếc xuồng nhỏ chở 3 đứa học sinh vượt đoạn sông dài gần 3 km để đến trường… đã nói lên điều đó.
Kim Chi