Trường, lớp ngày càng được mở rộng. Không còn cảnh khó khăn chồng chất, người dân Vồ Dơi quyết tâm không để con mình phải dang dở học hành.
“Thế hệ chúng tôi không được học hành đàng hoàng nên chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, mình gắng lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Học cho biết chữ nghĩa với người ta, học để trở thành người, học để có kiến thức. Ðể sau này, dù làm nghề gì cũng khỏi chịu cảnh thiệt thòi, bởi mù chữ, thất học”. Ðó là những lời trải lòng của các bậc làm cha, làm mẹ khi nói về chuyện học hành của con cái nơi vùng đất rừng Vồ Dơi, thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
Khát chữ cùng với hy vọng về một tương lai tươi sáng đã giúp nhiều thế hệ trẻ nơi đây được cặp bến bờ tri thức.
Ông Huỳnh Văn Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi, tâm sự: “Tôi còn nhớ rất rõ. Vào thời điểm những năm 1997-1998, ở ấp muốn kiếm học sinh học mãn lớp 12 là rất khó. Còn ai mà học tới bậc cao đẳng, đại học thì được dân trong vùng xem như là của hiếm. Nói thế, để hình dung được phần nào cái khó của chuyện học hành của con em vùng này 20 năm trước”.
Trường, lớp được mở rộng nên việc học hành của học sinh vùng rừng U Minh Hạ được thuận lợi hơn. |
Trường, lớp xa xôi; đường đến trường thì gian nan, trắc trở; mà quan trọng là bởi vì nghèo nên dường như buộc người ta đành nghĩ rằng: “Thôi! Học chi cho nhiều, biết có làm được trò trống gì không? Làm sao để ngày có cơm ăn 2 bữa mới là quan trọng”. Thế là, chuyện học hành không được xem trọng, thanh niên trong độ tuổi đến trường thì rời bỏ sách, vở để tìm kế sinh nhai.
Rồi, theo năm tháng, cuộc sống người dân Vồ Dơi cũng vơi bớt khó khăn. Kinh tế rừng ngày càng phát triển, đất trồng lúa cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật. Người dân Vồ Dơi mạnh dạn áp dụng những giống cây rừng mới cho năng suất cao hay chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối xiêm. Nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường ở các tỉnh, thành vùng trên để khai thác lợi thế của địa phương như nghề thu mua chuối trái, bắp chuối của một số người dân rồi bán lại cho các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh. Trường, lớp ngày càng được mở rộng. Không còn cảnh khó khăn chồng chất, người dân Vồ Dơi quyết tâm không để con mình phải dang dở học hành.
Ðầy tự hào, ông Cung hồ hởi: “Vồ Dơi tuy còn những khó khăn nhưng điều đáng mừng là chuyện học hành của con em giờ đã đổi thay so với trước. 100% học sinh trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Và càng phấn khởi hơn khi ấp có trên 10 cháu đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học và có việc làm ổn định trong và ngoài tỉnh. Hiện nay cũng có khoảng 10 cháu đang theo học đại học ở các trường”.
Nằm trong danh sách những hộ vượt khó, nuôi con ăn học, ông Nguyễn Văn Út (ngụ Ðội 3, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết, đứa con lớn của ông đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Luật, Trường Ðại học Cần Thơ, đứa con út cũng đang học lớp 9.
Thân gà trống nuôi con, lại phải nuôi mẹ già, để có tiền chi tiêu trong gia đình, trang trải chi phí học hành của các con, ngoài chăm sóc mấy héc-ta rừng tràm, trồng lúa, ông Út còn gác kèo ong, làm mướn theo mùa như trục, cày, giặm, gặt lúa; tận dụng đất bờ bao trồng chuối, đất trống trồng hoa màu. Ðể có số tiền gần 3 triệu đồng mỗi tháng lo cho 2 đứa con ăn học, ông Út làm việc quần quật từ sáng đến tối, chẳng dám nghỉ ngơi.
Ông Út bộc bạch: “Nhờ thu nhập từ cây chuối mỗi tháng cũng được 1 triệu đồng, cộng thêm tiền kiếm được từ làm thuê cho người ta, dành dụm cũng tạm đủ lo cho mấy đứa con học hành. Một mình bươn chải vất vả, khó khăn lắm nhưng tôi quyết tâm phải nuôi mấy đứa học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định”.
Gia tài chỉ có 5 công đất, nhưng nhờ chịu khó, cần cù lao động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh nên ông Dương Hùng Dũng (ngụ Ðội 3, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi) vẫn có thể nuôi con học đại học như bao người. Ông Dũng cho biết, thấy số lượng chuối của bà con trong vùng và các xã lân cận rất nhiều nên ông quyết định đứng ra thu mua chuối của bà con rồi chở lên tận TP Hồ Chí Minh bán lại cho các chợ đầu mối kiếm lời.
Tuy mỗi ký chuối lời lãi không nhiều, chỉ vỏn vẹn 200 đồng, nhưng nhờ số lượng nhiều nên bình quân mỗi tháng trừ chi phí ông Dũng còn lời khoảng 30 triệu đồng. Mấy năm nay, thấy diện tích trồng lúa của gia đình không hiệu quả nên ông Dũng quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng chuối xiêm và đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Mỗi tháng nguồn thu từ chuối trái, bắp chuối từ 4-5 triệu đồng.
Ông Dũng trải lòng: “Vợ chồng tôi tuy được học hành nhưng cũng chưa tới lớp 9. Ðời mình chữ nghĩa không được bao nhiêu nên gắng lo cho con học hành đàng hoàng, có kiến thức, có nghề nghiệp. Trước là giúp bản thân, sau nữa là góp ích cho xã hội, cho quê hương”.
Cũng là dân ở xứ khác đến ấp Vồ Dơi lập nghiệp nhưng chị Lê Thị Nhung (ngụ Ðội 3, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi) không được may mắn như những người khác. Sau 22 năm mưu sinh ở vùng đất này, đến nay, chị Nhung vẫn nằm trong diện hộ khó khăn, bởi không đất sản xuất, không đất ở. Bao nhiêu năm ly hương để mưu sinh, chị Nhung vẫn chưa thoát khỏi cảnh làm thuê, ở đậu. Tài sản tích góp được sau bao năm lao động cực nhọc chính là các con ăn học thành tài, có nghề nghiệp ổn định.
Chị Nhung vui mừng cho biết: “Hai đứa con gái lớn đã ra trường, có việc làm ổn định. Một đứa học trung cấp làm việc cho công ty tư nhân, một đứa làm giáo viên. Còn đứa con trai út cũng đang học đại học năm thứ ba”.
Không có “cục đất chọi chim”, vì vậy, để nuôi các con học tới bậc cao đẳng, đại học, chị Nhung làm thuê quanh năm, không dám nghỉ ngơi dù chỉ một ngày, còn chồng chị quanh năm suốt tháng cũng đi theo chủ thầu công trình để làm phụ hồ kiếm tiền. Nhờ có chương trình hỗ trợ cho sinh viên vay vốn nên các con của chị Nhung không phải dang dở học hành vì chữ nghèo.
Chị Nhung tâm sự: “Tới đứa út tôi không còn vay tiền nữa. Hai đứa lớn có việc làm, kiếm được đồng tiền phụ giúp vợ chồng tôi chút đỉnh để nuôi em nó ăn học”.
Ông Năm Ðoán (Trần Minh Ðoán, Tổ trưởng Tổ Nông dân Tổ 3, ấp Vồ Dơi) thông tin: “Trưởng ấp và Bí thư Chi bộ ấp đều là gia đình có con học đại học. Như ông Cung, Trưởng ấp, đứa lớn đang học đại học năm 2 ngành dược, còn 3 đứa con của ông Út Hoàng, Bí thư Chi bộ ấp, đều học đại học”.
Tuy vẫn còn đó những khó khăn, lo toan của cuộc sống, chuyện cơm, áo, gạo, tiền đến chi phí học hành của con cái nhưng trong từng ánh mắt của những bậc làm cha, làm mẹ như ông Dũng, ông Út, chị Nhung… chan chứa niềm tự hào, hạnh phúc. Tri thức, nghề nghiệp nhất định sẽ giúp cho thế hệ trẻ nơi đây hướng tới một tương lai tươi sáng hơn./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh