(CMO) Với phương châm “ở nhà chống dịch, hạn chế ra đường”, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN), cửa hàng chuyển hướng kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân. Từ mua sắm trực tuyến, “ship” đồ ăn uống đến vận chuyển hàng hoá… được giới thiệu trong thời điểm này.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mua sắm trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu, vì vậy, đăng ký gian hàng (kênh người bán) trên sàn thương mại điện tử (TMÐT) Cà Mau là giải pháp tất yếu và hiệu quả giúp DN, hợp tác xã và chủ thể OCOP đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Cà Mau đưa sản phẩm chuẩn “made in Cà Mau” đến mọi miền đất nước. Ðồng thời, sàn TMÐT Cà Mau cũng có thể thoả mãn nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh Cà Mau (iPEC) Quách Văn Ấn cho biết: “Hiện nay, iPEC đang mời gọi DN vừa, DN nhỏ, các HTX, chủ thể OCOP tham gia tạo gian hàng trên sàn TMÐT Cà Mau, để có thể đưa sản phẩm hàng hoá trưng bày và giao dịch trên sàn TMÐT Cà Mau. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, iPEC mời gọi DN tham gia đưa hàng hoá lên sàn”.
“Theo kế hoạch, trong năm có ít nhất 50 DN tham gia gian hàng trên sàn. Hiện nay đã có 15 gian hàng tham gia sàn TMÐT Cà Mau, với hơn 90 sản phẩm được trưng bày. Trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, iPEC đang phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời DN tham gia tạo gian hàng trên sàn TMÐT Cà Mau”, ông Hồng Phúc Ngươn, chuyên viên Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, thông tin.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để gỡ khó cho thị trường hiện nay, theo ông Quách Văn Ấn, sẽ tăng cường phối hợp sở, ngành quảng cáo sàn TMÐT Cà Mau, mời gọi DN tham gia trưng bày sản phẩm, giao dịch hàng hoá, tạo lập cơ sở dữ liệu sản phẩm hàng hoá trên sàn. Thông qua các phương tiện truyền thông, báo đài, mạng xã hội, iPEC mời gọi DN sản xuất, thương mại và người tiêu dùng tham gia trưng bày và giao hàng hoá lên sàn. Tăng cường kết nối với sàn giao dịch TMÐT với nhiều địa phương khác trong nước.
Anh Trương Hiệp Sơn, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Jollibee (Phường 5, TP Cà Mau), cho biết: “Mùa dịch mà, mình phải chuyển hướng chứ không còn cách nào khác và phải chấp nhận. Trước đây còn bán ăn phục vụ tại chỗ, còn giờ thì bán mang về hết; vì thế lực lượng lao động cũng giảm hơn phân nửa. Hiện tại bộ phận giao hàng chỉ còn 6 thành viên, phục vụ tại nội ô TP Cà Mau từ 9-21 giờ”.
Kinh doanh theo hình thức giao hàng tận nơi, đảm bảo phòng chống dịch. |
Việc bán hàng mang về, nhiều chi phí đội lên cao hơn. Theo anh Sơn, nào là tiền bao bì, tiền shipper… Bên cạnh đó, lượng hàng tiêu thụ cũng không bằng lúc trước, DN kinh doanh để giữ lượng khách hàng thân thiết và thanh toán một số chi phí, như nhân viên, mặt bằng… Các shipper cũng thận trọng hơn, mỗi lần đi giao hàng cũng phải tuân thủ 5K, về đến cửa hàng thì sát khuẩn, vệ sinh các phương tiện giao hàng thường xuyên…
Ở thị trấn sầm uất huyện Trần Văn Thời, người dân thực hiện khá nghiêm việc phòng chống dịch bệnh. Những hàng quán ăn sáng kinh doanh theo hình thức mang về gặp không ít khó khăn. Vừa bán hàng, vừa tuân thủ phòng chống dịch, anh Nguyễn Minh Ðương, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, cho biết: “Bàn ghế dọn vô hết, chỉ bán mang về buổi sáng thôi. Ở đây mình chỉ bán cơm tấm, bánh tầm, bún thịt nướng; lượng khách giảm hơn phân nửa. Bán ở đây chủ yếu là khách quen để giữ mối và duy trì cuộc sống cho qua mùa dịch”.
Tại quán café TIMO - TIM, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, đã cắt hết lực lượng lao động tại quán, chỉ còn thành viên trong gia đình. Chủ quán nhắc nhở người thân trong gia đình hạn chế tiếp xúc với người lạ bên ngoài, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết; khi bán phải giữ khoảng cách và tuân thủ 5K./.
Nhật Minh