Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ không tự ý dừng xe đang lưu thông (trừ các trường hợp luật định) để kiểm tra mà chỉ phạt chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông, vi phạm giao thông hay qua công tác quản lý hồ sơ…
Những ngày qua, thông tin về người sử dụng xe mô-tô, xe gắn máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 1/1/2017 đã khiến không ít người dân lo lắng.
Vấn đề người dân quan tâm nhiều nhất là liệu CSGT có dừng xe người tham gia giao thông mọi lúc mọi nơi để kiểm tra xử phạt chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên. Trong gia đình đông người, nhưng chỉ có một phương tiện, các thành viên trong gia đình khi sử dụng phương tiện đó (không phải mình đứng tên sở hữu) thì có bị xử phạt. Mua bán xe cũ qua nhiều đời chủ, hiện có người đã chết, người đang định cư nước ngoài… làm sao chứng minh được chủ xe để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu?...
CSGT chỉ kiểm tra xử phạt người tham gia giao thông không mang đầy đủ giấy tờ xe. |
Các vấn đề trên, theo Ðại tá Võ Hoàng Nhớ, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh, thì thật ra, từ Nghị định số 34/2010/NÐ-CP của Chính phủ đã có quy định xử phạt hành chính chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên xe. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn đời sống xã hội mà thời gian xử phạt được gia hạn sang Nghị định số 71/2012, rồi thay thế Nghị định số 171/2013 đến Nghị định số 46/2016 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”.
Theo quy định tại Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 30 của nghị định này thì xử phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô-tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô-tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô-tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô-tô. Nghĩa là, trường hợp bạn bè mượn xe của nhau, vợ chồng sử dụng cùng một xe, con cái lấy xe cha, mẹ để đi… thì không vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ không tự ý dừng xe đang lưu thông (trừ các trường hợp luật định) để kiểm tra mà chỉ phạt chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông, vi phạm giao thông hay qua công tác quản lý hồ sơ…
Giấy tờ xe chỉ có ý nghĩa xác định chiếc xe là hợp pháp, có đăng ký chứ không xác định chủ sở hữu. Thế nên, quy định sang tên, đổi chủ đối với mô-tô, xe máy được mua, tặng, cho là cần thiết. Vì trong nhiều trường hợp xe vi phạm pháp luật, xảy ra tai nạn giao thông, cảnh sát điều tra hoặc CSGT phải chứng minh chủ sở hữu xe đó và người đứng tên đăng ký xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đã bán, cho, tặng. Nghĩa là nếu có tranh chấp, khởi tố, điều tra việc có liên quan đến chiếc xe đã bán, cho, tặng, chủ xe phải chịu trách nhiệm liên đới.
Về vấn đề đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, thực hiện theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, thì khi đi đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, người dân cần mang theo hồ sơ gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe…
Tóm lại, hiểu theo cách nhiều người cùng sử dụng chung một xe chỉ có người đứng tên trên giấy đăng ký xe khi lưu thông mới không bị xử phạt là chưa đúng. Mượn xe và tham gia giao thông bằng xe mượn không có lỗi. Trường hợp xe không chuyển quyền sở hữu hay còn gọi xe chưa sang tên đổi chủ theo quy định mới là có lỗi./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha