Bà con trong ấp Mỹ Phú, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi thường truyền tai nhau câu chuyện về người nông dân tên Nguyễn Văn Thiết (Ba Thiết) vượt khó nuôi con ăn học. Ðó là một trong những gia đình tiêu biểu có truyền thống hiếu học của địa phương.
Bà con trong ấp Mỹ Phú, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi thường truyền tai nhau câu chuyện về người nông dân tên Nguyễn Văn Thiết (Ba Thiết) vượt khó nuôi con ăn học. Ðó là một trong những gia đình tiêu biểu có truyền thống hiếu học của địa phương.
Trước đây, ông Ba Thiết vốn là thầy giáo dạy tiểu học, nhưng do đồng lương giáo viên ngày đó quá ít, cuộc sống gia đình thiếu hụt nên ông quyết định bỏ nghề về nhà cùng vợ làm kinh tế. Hiểu được tầm quan trọng của việc học và chỉ có con đường học vấn mới mong thoát nghèo nên vợ chồng ông Ba Thiết quyết tâm cùng nhau cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Ðược sự khuyến khích, rèn luyện và động viên từ gia đình cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của bản thân, 5 trong 6 người con của vợ chồng ông Ba Thiết lần lượt tốt nghiệp đại học. Chắc có lẽ với người cha, người mẹ đó là niềm vui, niềm tự hào lớn nhất.
Vợ chồng ông Ba Thiết và cháu nội xem lại những thành tích học tập của các con. |
“Rễ của sự học tập thì đắng, quả của sự học tập thì ngọt”, hiện tại, 5 người con của vợ chồng ông Ba Thiết đều có việc làm ổn định. Con trai lớn của vợ chồng ông là anh Nguyễn Hoàng Chơn (sinh năm 1974) là kế toán Trường Tiểu học Thành Ðiền, ấp Tân Phú, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi; con trai thứ ba là anh Nguyễn Hoàng Thật (sinh năm 1976) là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thanh Hoà, thị trấn Ðầm Dơi; người con trai thứ tư là anh Nguyễn Thanh Hoan (sinh năm 1981) đang làm công tác Ðoàn tại Trường THCS Tạ An Khương; con trai thứ sáu là anh Nguyễn Thanh Ngoãn (sinh năm 1984) làm việc tại Công ty Dầu khí Vũng Tàu; con gái út Nguyễn Bích Ly (sinh năm 1987) là kế toán ngân hàng. Hai người con dâu của vợ chồng ông Ba Thiết hiện đang công tác trong ngành giáo dục.
Khi hỏi về những kỷ niệm khi các anh chị vào đại học, bà Ba Thiết cười rồi vào tủ đem ra cả xấp giấy khen. Từ lúc học tiểu học cho tới phổ thông, có cái đã cũ rách nhưng ông bà vẫn cất kỹ như một món quà tinh thần vô giá. Những năm tháng nuôi con ăn học của vợ chồng ông Ba Thiết cũng lắm vất vả. Ngoài tham gia sản xuất kinh tế như các hộ khác trong địa phương, vợ chồng ông còn chạy đò để kiếm thêm thu nhập, nuôi các con ăn học.
Ông Ba nói: “Gia đình lúc đó vẫn còn khó khăn, tiền không đủ gửi cả tháng, vợ chồng tôi chia ra hằng tuần để gửi cho từng đứa, có lúc trong nhà thiếu hụt phải đi vay mượn của bà con hàng xóm. Thằng thứ hai học giỏi lắm, còn nhận được cả học bổng của trường”.
Với vợ chồng ông Ba Thiết, sự nhọc nhằn của người nông dân càng làm ông bà thấy được sự học là vô cùng cần thiết và đặt hết niềm tin và hy vọng vào các con của mình. Xen lẫn niềm vui và tự hào, ông Ba Thiết chia sẻ: “Gia đình gốc nông dân mà ra, ngày trước kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng phải làm lụng vất vả lắm mới có được chén cơm. Hiểu được cái khổ của người làm nông dân chân lấm tay bùn, từ nhỏ vợ chồng tôi luôn nhắc nhở, hun đúc các con phải cố gắng học để sau này không phải cực khổ”.
Sự thành đạt của các con ông bà Ba Thiết hôm nay là một minh chứng cho sự cố gắng, phấn đấu học tập không ngừng nghỉ. Anh Ðinh Xuân Trung, cán bộ quản lý Văn hoá - Truyền thanh xã Tạ An Khương, nhận xét: “Gia đình ông Ba Thiết có sự định hướng cho các con của mình từ nhỏ, nên con cái được học hành đến nơi đến chốn và có công ăn, việc làm ổn định. Đây là hộ gia đình tiêu biểu về phong trào học tập đáng để mọi người noi theo”.
Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, thế hệ thứ 3 của gia đình ông Ba Thiết cũng đang cố gắng học tập để đạt những thành tích tốt nhất. Ông bà có tất cả 11 cháu nội, ngoại; cháu lớn đang học năm nhất Ðại học Y Dược Cần Thơ; 2 cháu đang học lớp 12.
Hiện tại, gia đình ông Ba Thiết đã được xã, huyện tuyên dương là gia đình có truyền thống hiếu học. Ðó không chỉ là niềm tự hào, là động lực để các thành viên trong gia đình tiếp tục phấn đấu mà còn là tấm gương tiêu biểu, điển hình trong phong trào khuyến học của địa phương để mọi người cùng học tập./.
Bài và ảnh: Ðào Chi