Cái thời nhà giáo cơm không đủ ăn, mà cô của chúng tôi vẫn có thể vượt qua. Nếu ai hỏi điều gì trợ lực giúp cô tiến bước, thì đó chỉ có thể là tình yêu.
Dù gặp rất nhiều khó khăn để đưa con chữ đến với các em học sinh vùng đất nghèo ven biển, nhưng bằng tình yêu, muốn những con em học sinh vùng quê nghèo mình có điều kiện để tiến bước, cô đã vượt qua tất cả.
Cái thời cách đây 20 năm, khi nói về mọi mặt để phát triển của vùng đất ven biển Tây của tỉnh thì thật đáng nhớ. Bao nhiêu giáo viên về gõ đầu trẻ ở Trường Tiểu học 3 Khánh Hải (ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), rồi phải thốt lên “hổng chịu nổi” mà bỏ nghề. Ấy vậy, chính tại cái vùng quê khó khăn đó, có một cô giáo, bằng tất cả nghị lực, tinh thần, trách nhiệm cùng tình yêu thương đã trụ được với nghề, gắn bó với học sinh đến bây giờ.
Chỉ có thể là tình yêu
Cô là Phạm Ngọc Lý. Lần đầu tiên ai tiếp xúc, chắc chắn sẽ ấn tượng với nước da xạm nắng của cô. Nước da nói lên sự vất vả, tần tảo của một cô giáo vùng biển nghèo, vùng mà giáo viên còn được hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn. Cô Lý về dạy tại Trường Tiểu học 3 Khánh Hải từ năm 1997. Ngần ấy năm cô đã dạy qua biết bao thế hệ, có nhiều người đang học đại học, đã ra trường, đã thành đạt mà mãi không thể quên được sự thân thiện, nhiệt tình của cô.
Bao thế hệ học sinh vẫn nhớ hình ảnh người “mẹ hiền” luôn nhẹ nhàng, ân cần chỉ bảo. |
Tôi cũng là một cựu học sinh của trường được cô dạy dỗ. Thời đó, việc chăm sóc, giáo dục trẻ chưa nghiêm như bây giờ, đi học mà không thuộc bài thì bị ăn đòn là chắc. Nhưng đối với cô Lý, không có việc dùng bạo lực với học sinh. Cô luôn ân cần, nhẹ nhàng với học sinh của mình. Ðúng như “… Cô giáo như mẹ hiền. Em bây giờ cứ ngỡ, cô giáo là cô tiên…”.
Học sinh không hiểu bài, sẽ là sự ân cần chỉ bảo. Học sinh không thuộc bài sẽ là sự điềm đạm nhắc nhở. Tôi sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, nhà tôi ở rất gần nhà cô nên sau này có điều kiện hiểu về cô nhiều hơn. Tôi được cô dạy 2 năm, cái chữ tôi đang dùng có sự góp phần nhào nặn của người “mẹ hiền” mến thương.
Vào những năm cuối thủa thập kỷ 90, người trong xóm tôi mới có xuồng máy để đi, nhà nào bình bình thì đi lại bằng xuồng ba lá, không có điều kiện thì quanh năm lội bộ. Mùa khô, tạm chấp nhận được, nhưng khổ nỗi, mùa mưa đến, đường đoạn lầy lội sình đất, đoạn thì ngụp lặn dưới nước sâu, đi từ trường đến nhà có thể nói là dầm sình.
Tôi và bè bạn đi học thì quần dài khoác lên cổ, mặc cái quần cụt còn phải kéo lên để sình không bắn tới. Tôi nhớ như in, một lần, tôi và mấy người bạn đang trong thế ngả nghiêng để tránh những chỗ đường trơn do trời mưa, nhích từng bước sợ té ngã. Bỗng có một chiếc xuồng ba lá cập lại mé bờ. Một giọng nói thân quen cất lên: “Mấy anh em lên đây cô cho quá giang!”. Chúng tôi ríu rít: “A cô Lý!”.
“Mẹ hiền” của chúng tôi chèo xuồng ba lá đi dạy và gặp bất kỳ học sinh nào, đều cho quá giang. Rước chừng nào khẳm xuồng người mẹ ấy mới chèo thẳng một mạch đến trường. Chúng tôi còn được đi ké xuồng của cô nhiều lần nữa. Tôi không thể nào quên hình ảnh người cô dáng cao ráo, ăn mặc rất giản dị, hai tay nắm chặt hai cây chèo, dùng sức đẩy mái chèo đưa chiếc xuồng ba lá lướt trên mặt nước kinh Ðường Ranh, đưa chúng tôi đến lớp.
Mới về trường, lương của cô một tháng được 180.000 đồng, không đủ tiền lo gạo cho gia đình. Hằng ngày, ngoài việc giảng dạy cho chúng tôi, cô còn phải phụ người chồng mất sức lao động chuyện đồng áng. Còn nhỏ tôi cũng chẳng hiểu hết được khó khăn của nhà giáo. Chỉ biết có rất nhiều giáo viên đã bỏ nghề, bỏ xứ tôi mà ra đi tìm hướng khác phát triển. Thậm chí, họ về làm ruộng chứ không theo nghiệp giáo nữa. Vì làm ruộng chắc chắn sẽ nhàn hơn quá trình sáng lội ruộng, chiều đi dạy, tối về thức khuya soạn giáo án.
Cô Phạm Ngọc Lý tâm sự: “Hồi đó, thật sự rất khó, nhưng không bao giờ cô nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Ðược đứng trên bục giảng là niềm vui của cô, các em chính là động lực để cô trải qua khó khăn. Ðến lớp thấy các em ngoan ngoãn, chăm học thì cô biết mình đã làm được một việc ý nghĩa”.
Cái thời nhà giáo cơm không đủ ăn, mà cô của chúng tôi vẫn có thể vượt qua. Nếu ai hỏi điều gì trợ lực giúp cô tiến bước, thì đó chỉ có thể là tình yêu. Chính vì yêu nghề, yêu thương học sinh mà cô đã bám trụ được. Không dừng lại ở đó, cũng từ tình yêu này mà cô luôn ý thức học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận với sự đổi mới trong giáo dục, để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ý thức nâng cao trình độ
Bắt tay vào nhận nhiệm vụ giáo dục, cô Lý có trong tay tấm bằng sư phạm 9+3, cái bằng này đã dư trình độ để dạy tiểu học rồi. Nhưng bốn năm sau, bằng ý thức cầu tiến, ngay sau khi sinh người con thứ 3, cô quyết định đi học lấy bằng bổ túc THPT, dù nhà trường không yêu cầu.
Hồi tưởng lại nghiệp giáo của mình, cô Lý chia sẻ thêm: "Ðịa phương mình tri thức còn rất thấp, gia đình cho con đi học là tốt rồi. Họ không lo chuyện cùng nhà trường giáo dục học sinh. Chính vì vậy, trách nhiệm của giáo viên rất nặng nề. Cùng với xu thế phát triển của ngành giáo dục nên dù khó khăn, nhưng học vẫn phải học".
Khăn gói lên đường, lặn lội mấy chục cây số đi ở trọ xa nhà, vốn liếng lớn nhất cô mang theo là quyết tâm. Và cô đã lấy được tấm bằng theo nguyện ước của mình vào năm 2002. Sau đó, cô về trường tiếp tục công tác và nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn để tiếp cận với giáo dục thời đại.
Ðến năm 2007, với triết lý “học học nữa, học mãi” mà cô vẫn truyền dạy cho học sinh, cô Lý đi học đại học theo hình thức đào tạo từ xa. Khó khăn lớn nhất giai đoạn này vẫn là điều kiện kinh tế và hạ tầng giao thông nông thôn.
Mỗi lần ra TP Cà Mau học tập hay thi cử, cô luôn mang theo hành trang rất lềnh kềnh. Bà con thân quen hỏi thì cô bảo mang cho người thân. Ðâu phải, cô mang tôm, cua tươi, thậm chí cả mắm tôm, mắm cá của vùng biển mình ra TP Cà Mau bán, mong kiếm được vài đồng làm lộ phí, đỡ được gánh nặng cho kinh tế gia đình.
Cuộc đời đi học của cô giáo vùng sâu nó thế. Dù phải lội bộ hơn 2 km lên đò trong đêm khuya, sau đó lênh đênh trên sông nước 6 tiếng đồng hồ để vượt đoạn đường thuỷ hơn 50 km mỗi lần ra TP Cà Mau học. Nhưng chừng đó đâu thể cản khát vọng vươn lên lấy cái bằng đại học của cô. Bốn năm sau, cô nhận kết quả tốt nghiệp đại học trong niềm vui vỡ oà. Cô có quyền tự hào về bản thân mình, không phải ai cũng đi qua được thời khó khăn, trụ vững với nghề giáo viên tại cái vùng đất muỗi kêu như sáo thổi này.
Thầy Huỳnh Thanh Ngon, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 3 Khánh Hải, nhận xét: "Cô Lý điển hình của người giáo viên vùng sâu, vùng xa. Về trường từ thời giáo viên còn dạy trong những mái nhà lá, còn rất khó, nhưng cô đã đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh gần 20 năm qua. Ở cô, chúng ta thấy một tinh thần cầu tiến rất rõ, kết hợp cùng sự nhiệt huyết với nghề mà cô luôn hoàn thành tất cả các nhiệm vụ nhà trường giao cho. Cô là tấm gương để những giáo viên trẻ tuổi noi theo"./.
Bài và ảnh: Trần Hiếu