Cuối năm 2014, Trường THCS Tân Hải đạt chuẩn quốc gia, 10 năm chuẩn bị cho ngày vui chung. Một niềm vui cũng tròn trịa như số tuổi của trường. Sân khấu được dựng giữa sân trường, thầy và trò cùng nắm tay nhau hát vang. Câu chuyện về ngôi trường 10 năm tuổi được kể lại với niềm tự hào không giấu giếm, rằng, nơi đây, bên con kinh cùng, có một ngôi trường như cổ tích…
Năm 2004, một dãy nhà được làm bằng tol cũ và cây lá tận dụng nằm trên một khu đất mới bơm, xung quanh là những vuông tôm phơi nắng chang chang… Vài người đi qua tò mò không biết ông Ba Bến (chủ của mảnh đất) cất dãy phòng bằng tol cũ để làm gì? Cho đến khi có thấy trên bãi đất sình đó dăm ba người bì bõm dọn lau sậy, treo cái bảng, kéo ngọn cờ thật cao, lội từ kinh này sang kinh khác đến từng nhà vận động bà con cho con em đi học thì người ta mới biết, dãy nhà đó là ngôi trường mới mọc lên: Trường THCS Tân Hải.
Câu chuyện 10 năm trước…
“Kể lại câu chuyện này, mới 10 năm nhưng tựa như một câu chuyện cổ tích vậy. Hồi đó trường chỉ có ba thầy cô, kể cả cô hiệu trưởng mới 23 tuổi. Trường nhìn thấy thương hết sức, được dựng lên từ vật liệu của những ngôi trường khác bỏ, bên này nhìn thấy bên kia qua những chỗ thủng lỗ chỗ, đất mấp mô chỗ cứng chỗ mềm.
Khuôn viên Trường THCS Tân Hải rộng rãi, thoáng mát, tạo thuận lợi cho học sinh sinh hoạt giờ ra chơi. |
Công tác tuyển sinh gian nan vô cùng, bà con không biết xã mình có cái trường cấp II, mà khi đến trường rồi thì bà con đòi mang hồ sơ về vì nhìn giống cái kho bỏ hoang lâu ngày. Cán bộ xã cùng với giáo viên đội mưa đội nắng thuyết phục, tuyên truyền bà con hãy đến với trường, hãy tin trường, rồi mai này trường cũng sẽ khang trang to lớn. Ngày nhận được những bộ hồ sơ đầu tiên, mấy anh em nhìn nhau bật khóc!”, thầy Huỳnh Minh Trí - một trong những giáo viên đầu tiên của Trường THCS Tân Hải, tâm sự.
Ngày khai giảng đầu tiên của Trường THCS Tân Hải chỉ có lớp 6 (năm học 2004-2005) trên mảnh đất vuông vắn do ông Ba Bến hiến tặng, đánh dấu một ngôi trường đã được khai sinh. Một lễ khai giảng chan hoà niềm xúc động và hạnh phúc của học sinh, bà con, cán bộ địa phương, ông Ba Bến và của cả những thầy, cô giáo trẻ “bỏ phố” để “về ruộng”, đem ánh sáng và niềm tin tri thức đến một xã mà tỷ lệ hộ nghèo khi ấy có đến hơn 16%.
196 học sinh được chia thành bốn lớp, còn căn phòng nhỏ làm nơi làm việc tổng hợp từ văn phòng, kế toán, cho đến hiệu trưởng và là nơi nghỉ giữa giờ và cả nơi ngủ lại của một cô giáo ở xa.
Chủ tịch UBND xã Tân Hải Nguyễn Đức Duy kể: “Năm 2004, tôi còn làm bí thư đoàn, đến thăm Trường THCS Tân Hải mà thương các em vô cùng, lúc đó không nghĩ gì nhiều, cũng không vì nhiệm vụ mà chính là sự nhiệt tình tuổi trẻ và lòng trắc ẩn. Học sinh nhiều em lội bộ hàng chục cây số, dép và sổ sách bỏ vô bọc cột lên cổ vì sợ ướt, đến trường được rồi thì quần áo dính sình bùn… Tôi phát động thanh niên trong xã bắc cây cầu dừa qua sông cho các em đi học, cho các thầy, cô có thể lội qua rồi đón đò đi chợ Phú Tân hoặc Cái Đôi, làm nhà vệ sinh dã chiến, chở đất đen đắp văn phòng… Làm mệt thì múc nước mưa uống, đói thì cùng nhau quăng chài bắt cá dưới sông, hái rau trên bờ kênh, chụm than nấu cơm, kho cá”.
“Nhớ nhất là Trung thu đầu tiên của Trường THCS Tân Hải, Đoàn Thanh niên với thầy, cô lội bộ đi quyên góp người 5.000 đồng, người 10.000 đồng… Xã nghèo mà, được nhiêu đó là quý lắm. Được đâu hơn một triệu đồng, mua bánh, mua lồng đèn, tổ chức Trung thu cho các em. Chương trình văn nghệ của các em khi đó ấn tượng mãi trong tôi đến giờ, các em vừa hát vừa khóc, thầy cô với mấy anh chị đoàn viên trong xã cũng khóc theo… Miếng bánh Trung thu lúc đó sao mà ngon, quý giá và ý nghĩa lạ lùng”, anh Nguyễn Đức Duy bồi hồi.
…. 10 năm sau
Ba dãy phòng khang trang hình chữ U được bao bọc bởi hàng cây xanh ngát, khuôn viên trường sạch sẽ, rợp bóng mát; lối dẫn vào trường thì có hai hàng cây cau thẳng tắp, hoa trong bồn đang khoe những chồi nụ. Con kinh rộng hơn trước, nước êm đềm trôi, bắc ngang kinh là cây cầu xi-măng kiên cố. Đang giờ ra chơi, từng nhóm học trò nam chơi đá cầu, chọi lon; bạn nữ ngồi trên ghế đá trò chuyện, cười đùa, đây đó trên hành lang có thầy, cô tựa lan can ngắm học trò. Cây trong sân trường là điệp, phượng, còng, bàng, cả ngôi trường toát lên vẻ ấm áp, thân thiện.
Vùng không gian rộng xung quanh ngôi trường ấy là những ngôi nhà dân còn thơm mùi sơn mới, vườn tược trù phú, những luống rau xanh non, đôi ba chú gà hứng chí gáy giữa ban trưa. Đây đó có bóng người thăm ruộng, con đường trải nhựa thẳng tắp thỉnh thoảng có chiếc xe máy vù qua lẫn với tiếng xuồng máy chạy trên con sông nằm cạnh con đường. Tất cả đều rất thanh bình, trìu mến. Đó không phải là một vùng đất mới, cũng không phải ở một nơi xa xôi nào, vẫn là Tân Hải, vùng đất “năm không” ám ảnh một thời và ngôi trường kia chính là ngôi trường từng giống như “dãy nhà kho hoang phế” của 10 năm trước.
Nhiều thế hệ học sinh đã ra trường nhưng phần lớn thầy, cô từ cái “thuở ban đầu” vẫn còn bám trụ nơi ấy.
“Không phải mình không có cơ hội chuyển đi nơi khác nhưng khi đã gắn bó với ngôi trường này từ những ngày đầu tiên, chứng kiến bao lần biến động thì trường trở thành một phần tình yêu của mình. Gian khó đến thế mà vẫn trụ được với Tân Hải thì lẽ nào khi Tân Hải đã thay da đổi thịt, trở thành một vùng nông thôn mới thì lại không gắn bó sâu sắc hơn”, cô Nguyễn Ngọc Ánh, Hiệu phó Trường THCS Tân Hải, chia sẻ.
Thầy Bùi Chinh Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, vui vẻ nói: “Mỗi một góc trường này đều có câu chuyện ngay cả cái góc khiêm tốn để xe của giáo viên kia cũng mang nhiều ý nghĩa. Nơi đó vốn dĩ là một cái ao nhỏ, tôi với các thầy, cô xin đất bên kia bờ rồi gánh từng gánh san lấp lại cho bằng phẳng. Cây và tol từ mấy phòng học cũ đã dỡ bỏ tận dụng lại dựng lên nhà xe cho giáo viên. Nhà xe kiên cố thì để xe cho học sinh vừa đủ rồi, mình là thầy, cô thì nhường các em chứ. Tôi không phải là người đầu tiên đến với trường nhưng tình yêu thì có lẽ cũng không ít hơn các thầy, cô ở nơi đây”.
Thầy Chiến kể thêm, trường có vẻn vẹn 209 học sinh nên mỗi học sinh đi học được là quý lắm, em nào nghỉ học thì thầy cô, hội phụ huynh vận động đi học lại, hỗ trợ mọi thứ có thể để em ấy đến trường. Bà con trọng tình, thấy thầy hiệu trưởng đi đò đến, mang theo tập vở, trò chuyện thân tình thì ngay sáng hôm sau đã thấy trò đó trở lại trường, lễ phép đứng trước phòng hiệu trưởng thưa: “Thưa thầy cho con đi học lại”. Thầy hiệu trưởng dắt tay trò trao cho giáo viên chủ nhiệm, xoa đầu dặn ráng học, đừng bỏ trường, bỏ thầy nữa.
Cuối năm 2014, Trường THCS Tân Hải đạt chuẩn quốc gia, 10 năm chuẩn bị cho ngày vui chung. Một niềm vui cũng tròn trịa như số tuổi của trường. Sân khấu được dựng giữa sân trường, thầy và trò cùng nắm tay nhau hát vang. Câu chuyện về ngôi trường 10 năm tuổi được kể lại với niềm tự hào không giấu giếm, rằng, nơi đây, bên con kinh cùng, có một ngôi trường như cổ tích…
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Việt Hà