ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-7-25 07:19:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Con đường tìm chữ

Báo Cà Mau

Hàng phượng ven sông đã thả sắc màu đỏ thắm cuối cùng lên con sông quê êm ả. Mùa cắp sách của lũ trẻ trong xóm lại bắt đầu rộn rịp. Mỗi lần thấy chúng hớn hở chuẩn bị tập sách, lòng tôi lại nhớ con đường tìm chữ ngày xưa…

Ảnh minh họa: B.T

Cái thời trường làng chưa có, để các cô chú tôi biết chữ, ông bà nội phải ra tận trung tâm xã, mượn đất cất một ngôi nhà tạm để các con có chỗ ở tìm chữ. Trong xóm giờ vẫn nhớ chuyện ông nông dân “chơi nổi” ngày đó. Rồi ngôi trường đầu tiên trong xóm được dựng lên, chỉ là cây lá giản đơn, nhưng nhìn tụi con nít đã có chỗ học hành, ai cũng mừng thầm. Anh em tôi là lớp học trò đầu tiên. Con đường tìm chữ của chúng tôi tưởng chừng không còn chông chênh nữa.

Nếu gọi là nghèo thì ngày ấy cả xóm đều nghèo như nhau. Hồi ấy, nhà tôi chỉ có mỗi chiếc xuồng con để ba mẹ chèo đi bán rau, cá. Trường không xa nhà là mấy, nhưng việc ngồi đợi xuồng ghe để quá giang qua sông mất hàng giờ là chuyện bình thường. Qua sông rồi thì chúng tôi phải băng qua đám lá bạt ngàn mà tôi vẫn thường gọi “rừng dừa”. Lúc rảnh rỗi, tôi cùng anh Lượm vẫn hay đi “tu sửa” để thông con đường tìm chữ. Những sống dừa cao lớn, chắc nịch được anh hạ xuống để làm cầu. “Con đường rừng” của anh em tôi lộng gió, mát rượi được mở ra bằng những chiếc cầu dừa nối tiếp nhau. Màu áo trắng lô nhô trên bờ ruộng là hình ảnh quen thuộc của các cô cậu học trò trường làng.

Ánh đèn dầu mờ tỏ bên trang giấy học trò, khói đèn còn đen trong trí nhớ. Một buổi đến trường, một buổi đi đuổi cá, sên đìa. Đứa nào cũng đen đúa, tóc tai vàng hoe, khét nắng. Hồi ấy, có thấy gì là khó khăn, eo hẹp đâu. Giờ nghĩ lại tôi thật may mắn biết bao! Đồng đất mênh mông, bốn mặt trầm thủy, kênh rạch như ô cờ. Có anh chị gần cập kê mà mới vào lớp 1. Phải đỡ đần gia đình nên đi học “bữa đực, bữa cái”. Biết đánh vần, đọc chữ thì lại nghỉ học kiếm sống. Con đường tìm chữ của họ là “không có đường”. Và rồi anh Lượm cũng bỏ “con đường rừng” như họ…

Lên cấp hai, cấp ba thì đường đến lớp của chúng tôi vẫn gắn liền với sông nước, đò giang. Chúng tôi phải dậy sớm ra vàm đón đò, sáng trắng mà chưa thấy đò, lòng lại phập phồng. Nhớ lúc ra xã học, có khi đò chết máy dọc đường thì cả bọn phải lỡ cả tiết học. Kỷ luật của nhà trường cũng “bó tay” với đám học trò vùng sâu, vùng xa “thèm chữ”. Khi học ở thị xã thì chúng tôi ở trọ, nhưng cuối tuần phải về nhà để nhận “viện trợ” kinh phí, nên những tà áo dài trắng bập bềnh trên sóng đã trở nên đặc trưng của những chuyến đò.

Gắn bó với con chữ đến nơi đến chốn như tôi là “hiện tượng” của cả xóm. Sinh ra giữa đồng ruộng, sông nước, nhưng đôi tay tôi vẫn chưa quen cầm phảng, cầm chèo. Một mùa tri thức mới đã bắt đầu, nhìn đám học trò nhỏ tung tăng đến trường, lòng tôi lại nao nao thương mái trường xưa, thương cha mẹ với chiếc xuồng con chòng chành trên sóng nước mỗi ngày để cho tôi có được hôm nay...

Trần Phong

Hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển

Những ngày qua, hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển: Nguyễn Ngọc Gia Bảo (lớp 12 chuyên Hóa) và Lê Trọng Nguyễn (lớp 12C3) đã mang về niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và ngành giáo dục Cà Mau khi cùng đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Thủ khoa Đất Mũi và hành trình mang ước mơ gửi vào màu áo lính

Võ Trương Gia Huấn, nam sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu (phường Bạc Liêu) không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của tỉnh Cà Mau với tổng điểm 37,5 mà còn đồng thời là thủ khoa khối A00 của tỉnh (Toán 10, Lý 10, Hóa 9,75). Phía sau thành tích đáng nể ấy là câu chuyện đẹp của một chàng trai tự học bền bỉ, sống chân thành, và có ước mơ giản dị: “Phục vụ đất nước trong màu áo Quân nhân”.

Thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00, quê Cà Mau

Em là Trần Đức Tài, nam sinh quê hương Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Là học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh, Đức Tài đạt điểm 10/10 ở cả ba môn, với tổng điểm 30 tuyệt đối.

Cà Mau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2025 trên 99%

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố vào lúc 8 giờ sáng nay. Năm nay, tỉnh Cà Mau (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,26%, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%. Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau (mới) đạt 99,37%.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.

Đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 diễn ra thuận lợi

Sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, ngành giáo dục Cà Mau giữ ổn định toàn bộ phương án tuyển sinh, không gây xáo trộn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

Phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu năm học mới

Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên nhiều trường học trên địa bàn phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng học sinh theo cha mẹ chuyển về khu vực trung tâm hành chính tỉnh Cà Mau ngày càng tăng, dẫn đến lượng hồ sơ nhập học giảm mạnh. Tình trạng này gây khó khăn cho việc tổ chức lớp học, sắp xếp giáo viên và ổn định công tác giảng dạy.