“Dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá (tăng 6,96%); kim ngạch xuất khẩu tăng 8,9%; thu ngân sách tăng 14,5% so cùng kỳ; sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ...”, đó là đánh giá của ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, tại hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh vào chiều ngày 9/7.
Dự và chủ trì hội nghị còn có các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Văn Bi, Lê Văn Sử.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh.
Dù đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng hiện nay tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần được tháo gỡ để tạo đột phá. Trong đó, các đại biểu quan tâm việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh (bao gồm năm 2023 chuyển sang) là 5.228,389 tỷ đồng, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 4.273,164 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã giải ngân đạt 1.612,591 tỷ đồng, bằng 30,8% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (khoảng 28%); nhưng thấp hơn so với kế hoạch theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, nhấn mạnh việc phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân còn chậm như hiện nay là do các dự án, công trình gặp khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng, tình hình khan hiếm vật liệu xây dựng, sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh, rạch ở vùng ngọt gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn Hậu Giang - Cà Mau) cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay cũng rất chậm. Cụ thể, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2024 có tổng kế hoạch vốn (bao gồm kế hoạch vốn năm 2023 chuyển sang) trên 748,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, đã giải ngân được 142,167 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19% kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có 6 dự án, với 10 tiểu dự án và 17 nội dung thành phần được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tổng kế hoạch vốn năm 2024 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2023 chuyển sang) là 119,631 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, đã giải ngân 4,922 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,1% kế hoạch.
Khan hiếm vật liệu xây dựng cũng là một trong những khó khăn tác động lớn đến tiến độ các công trình. (Ảnh minh hoạ)
Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, cái khó lớn nhất là đào tạo và tạo việc làm cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi có tổng số 10 dự án với 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tổng kế hoạch vốn năm 2024 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2023 chuyển sang) thực hiện chương trình là 69,579 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, đã giải ngân 8,57 tỷ đồng, bằng 12,3% kế hoạch.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phân tích thêm: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nội dung quy định “Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 65% tổng mức đầu tư/một dự án; phần còn lại do người dân đóng góp và nguồn vốn huy động hợp pháp khác”. Theo báo cáo của các địa phương, mức đóng góp này đối với người dân là khá cao, khó huy động.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu còn quan tâm đến việc phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác; khai thác thuỷ sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định (IUU); khai thác thuỷ sản bằng hình thức huỷ diệt…
Về công tác quản lý tàu cá, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, đối với tàu “3 không”, đến 31/12 nếu không đăng ký sẽ tuyệt đối không được hoạt động.
Ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, cho biết, thị trấn có 232 phương tiện khai thác thuỷ sản. Theo đó, thị trấn đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn quản lý chặt các phương tiện tàu cá mất kết nối trên bờ và trên biển, tàu cá “3 không”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng cửa biển Cái Đôi Vàm bị bồi lắng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và khai thác của người dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo: Về phát triển sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, xã quan tâm rà soát hỗ trợ các mô hình sản xuất để duy trì nguồn nguyên liệu tôm trên cơ sở nắm bắt, tính toán nhu cầu thị trường, nhất là tập trung các loại hình tỉnh có thế mạnh là tôm sinh thái tôm - rừng, lúa - tôm. Theo đó, phải gắn với phát triển kinh tế tập thể.
Riêng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản (IUU), phải tập trung cả hệ thống chính trị để làm.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, phải tập trung quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, đối với những dự án còn vướng mặt bằng thì các địa phương phải quyết liệt hơn nữa, nhất là trong vận động người dân bàn giao mặt bằng. Riêng đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, thời gian qua chúng ta còn thiếu chủ động, các huyện và đơn vị liên quan phải rút kinh nghiệm. Phải thành lập các tổ giám sát cộng đồng, các nguồn vốn phải được công khai, minh bạch, rõ ràng để người dân biết và cùng làm với Nhà nước. Phấn đấu giải ngân hết vốn của các chương trình nhưng phải mang lại hiệu quả thật sự, người nghèo phải được giảm nghèo từ các dự án của chương trình./.
Nguyễn Phú – Hoàng Vũ