(CMO) Huyện Ðầm Dơi luôn chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem đây là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Số lượt phản ảnh của công dân giảm
Ngay từ đầu năm, huyện Ðầm Dơi đã xây dựng kế hoạch tiếp công dân, quan tâm bố trí nơi tiếp dân, cử cán bộ tiếp dân đúng quy định. Ðối với UBND huyện, tiếp định kỳ ngày 5 và 20 hàng tháng, có thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh để người dân được biết. Ngoài ra, Thường trực UBND huyện còn tiếp đột xuất khi người dân có nhu cầu cần gặp Chủ tịch UBND huyện, hoặc lãnh đạo UBND huyện.
![]() |
Ðể hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, chính quyền địa phương phải công khai, minh bạch trong hoạt động, để dân hiểu và đồng cảm. (Ảnh chụp tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Ðầm Dơi). |
Năm qua, huyện đã ghi nhận tiếp 55 lượt công dân với 56 người. Trong đó, tiếp đột xuất 12 lượt với 14 người (có những trường hợp Chủ tịch UBND huyện tiếp 3 lần). Có 14 vụ việc thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND huyện (hiện đã hoàn thành 12 vụ việc); 8 vụ việc thuộc thẩm quyền Chi cục Thi hành án Dân sự; 1 vụ việc thuộc thẩm quyền Công an tỉnh; 32 vụ việc thuộc thẩm quyền xã, thị trấn.
Theo đánh giá, nhìn chung, các vụ việc người dân đến phản ảnh chủ yếu trên lĩnh vực tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng. So với cùng kỳ, số lượt tiếp công dân của huyện giảm về lượt tiếp lẫn số người. Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Nguyễn Phương Bình lý giải: “Những năm trước đây, do quá trình xây dựng lộ ô-tô về trung tâm các xã liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng, nên người dân phản ảnh nhiều, đến gặp gỡ và kiến nghị. Gần đây, người dân chỉ phản ảnh xung quanh tranh chấp đất đai cá nhân hay việc thi hành án. Các lĩnh vực khác không ghi nhận bức xúc nhiều”.
Cần giải quyết tốt từ cơ sở
Tuy nhiên, việc tiếp dân, xử lý các vấn đề của công dân ở các địa phương nhìn chung vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều trường hợp đến chỉ muốn đạt được quyền lợi mà bất chấp pháp luật, quy định; có những trường hợp phải tiếp đến 3 lần, thậm chí làm mất an ninh trật tự. “Dù Ban Tiếp dân tỉnh đã trả lời kết quả giống như địa phương, nhưng người dân vẫn tiếp tục đăng ký gặp, khiến địa phương gặp không ít khó khăn. Khi đó người dân và chính quyền rất khó có tiếng nói chung”, ông Bình chia sẻ.
Ðối với các xã, việc thực hiện tiếp công dân cũng được thực hiện quy trình giống như tại UBND huyện. Song, do tập quán, thói quen, người dân khi có vấn đề bức xúc thì không đợi ngày giờ đăng ký, mà trực tiếp đến gặp Chủ tịch UBND xã để phản ảnh.
Ðơn cử tại xã Tân Trung, dù UBND xã có bố trí phòng tiếp công dân riêng, cơ sở vật chất trang bị đầy đủ và theo lịch tiếp thứ 5 hàng tuần, nhưng số lượt người đến theo định kỳ được ghi nhận rất thấp. Phó chủ tịch UBND xã Tân Trung Văn Thanh Việt bộc bạch: “Năm 2020, xã tiếp công dân 34 cuộc, nhưng trong đó chỉ 10 lượt công dân đến đúng thời gian ấn định theo lịch tiếp. Còn lại hầu hết người dân theo thói quen, khi có vấn đề bức xúc đều đến gặp lãnh đạo UBND xã để phản ảnh hay kiến nghị”.
Ðược biết, trong 34 lượt tiếp công dân của xã, chủ yếu người dân phản ảnh 2 vấn đề chính, là lĩnh vực đất đai và nạo vét kênh mương trên địa bàn do bồi lắng, ảnh hưởng sản xuất. Không ghi nhận những trường hợp quá bức xúc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
“Ðạt được kết quả đó là nhờ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có sự chặt chẽ từ cấp cơ sở, các phòng, ban tham mưu. Chẳng hạn, trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đã tuyên truyền rộng rãi, thông báo công khai đến người dân, áp dụng luật đúng quy định. Khi người dân so sánh, đối chiếu giữa quyền lợi và quy định pháp luật phù hợp, thì sẽ không yêu cầu, khiếu nại nữa”, ông Bình phấn khởi.
Dẫn chứng, nếu như năm 2019, trên lĩnh vực tranh chấp đất đai có đến 18 vụ thì năm 2020 chỉ còn 4-5 vụ. Rõ ràng, càng ngày việc quản lý đất đai càng chặt chẽ theo quy định hơn, mỗi hộ, mỗi nơi có ranh giới rõ ràng, việc tranh chấp cũng giảm xuống đáng kể.
Ðể công tác tiếp công dân đạt hiệu quả cao hơn, ông Bình cho rằng, bên cạnh việc chính quyền địa phương phải công khai, minh bạch trong hoạt động để dân hiểu và đồng cảm, từ đó an tâm phát triển sản xuất, thì đối với cấp cơ sở cần tăng cường quan tâm công tác hoà giải. Vì hiện nay tỷ lệ vụ việc cơ sở hoà giải thành rất cao, trên 90%.
Mỗi năm, huyện có đến mấy trăm vụ việc cần hoà giải, nếu xã không quan tâm công tác này, để bức xúc dồn lên huyện thì sẽ ùn tắc và gặp rất nhiều khó khăn.
“Không phải chỉ chú trọng trang bị về nhân lực, vật lực tại nơi tiếp công dân là đạt hiệu quả cao. Dù cơ quan tiếp dân trang bị tốt như thế nào, trình độ cán bộ tiếp có cao đến đâu, nhưng nếu vấn đề xử lý ở cơ sở không tốt thì công tác tiếp dân sẽ gặp nhiều khó khăn”, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Nguyễn Phương Bình khẳng định. |
Hồng Nhung