Qua nhiều năm giảng dạy và cũng không ít thời gian chủ nhiệm, thầy Trần Anh Thảo, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Khái đúc rút nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, đặc biệt là rèn luyện học sinh có học lực yếu kém.
Qua nhiều năm giảng dạy và cũng không ít thời gian chủ nhiệm, thầy Trần Anh Thảo, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Khái đúc rút nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, đặc biệt là rèn luyện học sinh có học lực yếu kém.
Thầy Thảo được giao nhiệm vụ phụ trách lớp "liên quân" (100% học sinh là học sinh thi lại của năm học trước). Số học sinh này không những có học lực yếu kém mà kéo theo nhiều mặt hạn chế khác. Trong vai trò giáo viên chủ nhiệm, thầy Thảo trăn trở suy nghĩ, tìm hiểu tâm lý từng học sinh để có phương pháp giáo dục phù hợp với khả năng và tính cách từng em.
Thầy Thảo hướng dẫn học sinh trong giờ hoá học. |
Theo thầy, giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi sát học sinh để kịp thời phát hiện những sai phạm của các em. Giáo viên chủ nhiệm phải tuỳ mỗi loại vi phạm, tuỳ học sinh vi phạm mà xử lý. Cùng một lỗi vi phạm nhưng phải xét đến tính chất, đối tượng vi phạm mà xử lý cho phù hợp. Ðiều quan trọng là giáo viên chủ nhiệm phải có lòng vị tha, phải đặt mình vào hoàn cảnh học sinh vi phạm đó là con, cháu của mình để có biện pháp xử lý phù hợp. Ðừng quá cứng nhắc vào nội quy của nhà trường mà xử lý.
Quản lý lớp bình thường đã khó, quản lý lớp đặc biệt như lớp của thầy Thảo còn khó hơn. Thầy phải tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm những giáo viên từng dạy lớp đặc biệt năm trước. Qua tìm hiểu, thầy rút ra được kinh nghiệm: “Muốn dạy được đối tượng này phải thu phục cho bằng được nhân tâm”. Tìm hiểu thật kỹ tâm lý, hoàn cảnh, nguyên nhân mới đưa ra phương án xử lý đối với từng trường hợp vi phạm.
Thầy còn đưa ra và theo dõi thang điểm thi đua chặt chẽ, khen khích lệ tinh thần đúng lúc, đúng nơi. Theo dõi thi đua công bằng, cho học sinh nêu chính kiến của mình. Ðặc biệt, thầy luôn lắng nghe ý kiến của học sinh, khi học sinh vi phạm thầy cho các em đề xuất hướng xử lý.
Trong 4 năm liền thầy Thảo làm công tác chủ nhiệm, lớp "liên quân" duy nhất của trường luôn đạt kết quả học tập và rèn luyện tốt. Nhiều năm liền tất cả học sinh đều đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp và đạt kết quả tốt nghiệp khá cao.
Thầy Thảo tâm sự, giáo dục hiện nay đang thay đổi theo hướng bảo đảm mọi người đều được học để phát triển nhiều mặt: Nội dung phù hợp với yêu cầu của cá nhân và xã hội; phương pháp phải hướng vào việc phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự giác của người học. Trong tình hình đó, vai trò của người giáo viên càng nặng nề hơn. Người giáo viên làm công tác chủ nhiệm hết sức quan trọng, không chỉ dạy cho học sinh cách tự chiếm lĩnh tri thức mà phải dạy cho học sinh cách tự quản lý những hành vi, nhận thức của mình và nhận ra sai sót để tự sửa chữa./.
Bài và ảnh: Lê Nguyễn