Tình hình tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý và mại dâm đang ngày càng gia tăng, trong khi đó ngân sách chi cho hoạt động này ngày càng eo hẹp. Nguồn nhân lực thiếu và yếu, dẫn đến việc phòng, chống các loại tệ nạn này đang hết sức khó khăn.
Tình hình tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý và mại dâm đang ngày càng gia tăng, trong khi đó ngân sách chi cho hoạt động này ngày càng eo hẹp. Nguồn nhân lực thiếu và yếu, dẫn đến việc phòng, chống các loại tệ nạn này đang hết sức khó khăn.
Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Cà Mau Lý Việt Thống cho biết, tệ nạn ma tuý đang diễn biến rất khó lường, số người nghiện ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó kinh phí và nguồn lực cho công tác phòng, chống, cai nghiện ma tuý giảm; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Ðối tượng nghiện ma tuý bị kỳ thị và tái nghiện cao; gia đình và bản thân người nghiện ma tuý thường thuộc diện khó khăn, do đó không có khả năng tài chính để cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và trung tâm.
Người nghiện sinh hoạt tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh. |
Mặt khác, việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí để thành lập, hỗ trợ hoạt động các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; tệ nạn mua bán và sử dụng ma tuý vẫn diễn biến phức tạp cũng như tình trạng di dân, biến động về làm việc, sinh sống dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng…
Bên cạnh, từ khi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được thực hiện, tổng kinh phí hoạt động qua 10 năm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở tỉnh khoảng 7,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống mại dâm chủ yếu từ nguồn kinh phí của tỉnh cấp, không được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cũng như vận động được nguồn lực nào khác khiến kinh phí phục vụ công tác này thường xuyên không bảo đảm. Kể từ năm 2013, tỉnh mới nhận được nguồn hỗ trợ từ Trung ương cấp trong chương trình phòng, chống mại dâm; tuy nhiên nguồn kinh phí này cũng còn thấp, năm 2013 là 300 triệu đồng, năm 2014 chỉ có 250 triệu đồng.
Ông Lê Thành Công, Trưởng Khoa Truyền thông can thiệp và huy động cộng đồng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện nay, do có nguồn viện trợ quốc tế nên hầu hết các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đều được miễn phí. Tuy nhiên, khi nguồn lực này hết, công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ rất khó khăn.
Quyết định số 1899/QÐ-TTg, ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020" nêu rõ: Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, tập trung đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, mang tính bền vững, lâu dài, hiệu quả cao bao gồm: dự phòng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, trong đó dự phòng đóng vai trò chủ đạo; tiếp tục vận động, kêu gọi và đa dạng hoá các nguồn viện trợ quốc tế, thu hút các nhà tài trợ mới để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đa dạng hoá các nguồn kinh phí trong nước; tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…
Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc duy trì chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, ngành chức năng cần huy động nguồn lực tài chính cho công tác này từ nhiều nguồn để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ./.
Bài và ảnh: Quách Nguyên