Trong dịp Tết, cùng với bánh, mứt thì trái cây là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi nó không chỉ là món tráng miệng tốt cho sức khoẻ mà còn có thể trở thành những món quà biếu tặng sang trọng và ý nghĩa. Tuy nhiên, tình trạng loạn giá và loạn nguồn gốc trái cây, nhất là các loại được bày bán trên mạng xã hội, khiến người tiêu dùng khá hoang mang và không biết nên chọn loại nào để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.
Cherry là mặt hàng trái cây nhập khẩu được ưa chuộng nhất năm nay.
Thị trường trái cây nhập khẩu Tết năm nay, các loại bán chạy nhất vẫn là cherry, dâu, táo, việt quất,...
Theo khảo sát, cherry được bày bán trên các trang Facebook, Zalo… được quảng cáo là hàng xuất xứ từ Chile, giòn ngọt, có giá dao động từ 170-270 ngàn đồng/kg. Loại này size không quá to như các loại của Úc hay Newzealand. Tuy nhiên, sự chênh lệch vài chục ngàn giữa những chỗ bán khác nhau và chất lượng cherry được rao bán lại làm người mua phải cân nhắc.
Chị Trần Thanh Nhàn, Khóm 5, Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Mua trên mạng thì tham khảo được nhiều loại giá của nhiều người bán, nhưng chất lượng và xuất xứ có đúng như rao hay không thì bản thân tôi cũng không rõ. Chỉ khi nhận hàng, dùng xong mới có đánh giá thì cũng muộn rồi. Còn đến cửa hàng mua thì yên tâm hơn vì được xem, được thử và có gì khiếu nại cũng dễ hơn, có căn cứ hơn. Chưa kể, các cửa hàng nhập khẩu có tủ đông lạnh giữ mát sản phẩm, đảm bảo độ tươi ngon, an toàn vệ sinh hơn. Khi tôi chọn mua tặng đối tác thì luôn đến cửa hàng lớn cho an tâm”.
Người bán trái cây trên mạng thường được giới thiệu nguồn hàng qua những đại lý bỏ sỉ. Các thông tin trên bài đăng về các loại trái cây cũng do đại lý cung cấp, chứ họ không kiểm chứng được. Việc lấy hàng chủ yếu dựa vào niềm tin để buôn bán lâu dài. Tuỳ chỗ lấy hàng mà giá cả dao động chênh lệch từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Tại các cửa hàng, trái cây được bao bọc cẩn thận để giữ độ tươi ngon và tránh dập, đảm bảo chất lượng hơn so với loại bán trên mạng.
Chị Đỗ Thùy Trang, một người kinh doanh trái cây trên mạng xã hội Facebook, cho biết: “Cherry, dâu, kiwi đang là các loại được khách hàng mua nhiều nhất. Cherry có chỗ bán giá 270 ngàn đồng/kg là loại ngon nhất, còn có chỗ bán 170 ngàn đồng, hay 230 ngàn đồng là theo phân loại hàng. Loại rẻ hơn có thể ít ngọt hơn. Chúng tôi cũng nói rõ với người mua là nếu trái cây dập nhiều, chúng tôi sẽ đổi cho khách”.
“Trái cây mua trên mạng cũng là loại nhập nhưng phân loại thấp hơn, tôi mua dùng trong gia đình, cũng cân đối chi tiêu nên chọn loại ngon và vừa túi tiền. Tôi cũng mua vài loại, có thể yêu cầu đổi nếu nhận hàng thấy không ổn lắm”, chị Lê Ngọc Mai, Khóm 2, Phường 6, TP Cà Mau, chia sẻ.
Về nguồn nhập cherry, New Zealand, Úc, Chile là 3 nước được phép xuất khẩu vào Việt Nam. Mặt hàng này cũng có phân cấp loại 1, loại 2, loại 3… tuỳ nhà vườn và tuỳ nước. Những người bán hàng online sẽ bán những loại rẻ hơn, giá mềm hơn, dễ bán hơn. Tuy nhiên, các shop trái cây nhập khẩu đã có tiếng đều chú trọng vào quy chuẩn chất lượng chứ không theo trên mạng được.
Loại cherry Newzeland và Úc đang là loại hàng hot nhất với cách đóng gói 2kg/hộp dễ mang biếu tặng và chất lượng cũng được các cửa hàng đảm bảo.
Theo anh Mai Huỳnh Phúc Vinh, chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu Mon Garden (Phường 6, TP Cà Mau), cho biết, giá trái cây năm nay rẻ hơn nhiều so với năm ngoái. Thời điểm này là mùa cherry của nhiều nước. Ngon nhất và bán chạy nhất vẫn là cherry Newzeland và Úc, quy cách đóng gói 2 kg/hộp nên dễ biếu tặng trong dịp Tết. Cherry Chile là loại giá rẻ. Cận Tết, những nhà cung cấp đóng gói trái cây nhập khẩu vào thùng, hộp khá đẹp mắt, như lê Hàn Quốc sẽ có hộp 6 trái, táo Envy size lớn hộp 6 trái trông rất sang,...
“Chúng tôi thường bán rất chạy trái cây tiêu chuẩn loại 1, bởi khách hàng chọn đến đây mua sẽ ưu tiên chất lượng hàng đầu, giá chỉ là bước thứ hai để cân nhắc. Họ không chỉ tặng đối tác mà còn dùng trong gia đình nên quan trọng vấn đề đảm bảo an toàn sức khoẻ. Cửa hàng luôn kiểm tra giấy tờ nhập khẩu, kiểm tra chất lượng đầu vào, tem mác. Sản phẩm chính ngạch nên giá cả chắc chắn cao hơn so với hàng trên mạng”, anh Vinh cho biết thêm.
Năm nay, sức mua của thị trường giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng trái cây nhập khẩu chỉ bán được 50%-60%, nhưng đến cận Tết sẽ tiêu thụ được nhiều hơn. Trung bình một giỏ trái cây có giá từ 350 ngàn trở lên, tuỳ loại hàng và tuỳ loại trái cây.
Dù mua với mục đích gì, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng với xuất xứ, nguồn gốc và chất lượng của các loại trái cây nhập khẩu bởi nó ảnh hưởng đến sức khoẻ về lâu, về dài./.
Lam Khánh