Ðào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức nữ là chủ trương lớn mang tầm chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình hành động về công tác cán bộ cũng như cán bộ nữ, nhằm tạo điều kiện để nữ trí thức khẳng định bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương.
- Tạo điều kiện cho cán bộ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội
- Từng bước nâng cao vị thế cán bộ nữ
- Phụ nữ khẳng định tầm quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
- Phát huy tiềm lực của phụ nữ
Nữ trí thức là những người có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật cao, có kỹ năng, kinh nghiệm công tác. Ðội ngũ trí thức nữ, doanh nghiệp nữ Cà Mau tăng nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, hiện có trên 13.200 nữ cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 51,9%) và 1.158 nữ là chủ doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển chung, nữ trí thức Cà Mau đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm nhận nhiều vị trí, trọng trách trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục, đào tạo...
Nữ trí thức Cà Mau trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tạo điều kiện để cống hiến
Trong những năm qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai, thực hiện khá đầy đủ và kịp thời các chủ trương, chính sách đối với cán bộ nữ, nhất là trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ. Theo đó, cơ cấu cán bộ nữ tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2020-2025 và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, cấp uỷ cấp tỉnh tăng 2,3%, cấp uỷ huyện và tương đương tăng 3,13%, cấp uỷ cơ sở tăng 2,3%; cán bộ nữ là đại biểu HÐND cấp tỉnh tăng 14,92%, cấp huyện tăng 0,93%, cấp xã tăng 0,68%.
Ông Ðỗ Thanh Hài, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Ðầm Dơi, cho biết: “Huyện có trên 1.000 công chức, viên chức là nữ, trong đó nữ lãnh đạo chủ chốt chiếm 47,51%. Chúng tôi hướng đến mục tiêu đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Về công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới, huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác cán bộ nữ, chủ động rà soát, thống kê, nắm thực trạng tình hình cán bộ nữ các cấp, chuẩn bị nguồn cán bộ nữ cho đại hội đảng bộ các cấp, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt để đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ các cấp”.
Công tác phát triển đảng viên nữ được chú trọng về chất lượng ngay từ việc lựa chọn, bồi dưỡng đối tượng. Thông qua các mặt công tác và phong trào hành động ở địa phương, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, đảng viên phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú giới thiệu cán bộ, hội viên, phụ nữ ưu tú để cấp uỷ chăm bồi, kết nạp Ðảng. Tính từ đầu nhiệm kỳ, các cấp uỷ, tổ chức đảng kết nạp 4.861 đảng viên, trong đó có 2.270 đảng viên nữ, chiếm 46,69%.
Việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới được Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Nhiệm kỳ 2025-2030, quy hoạch cấp uỷ tỉnh, phấn đấu nữ đạt 25%; cấp uỷ huyện và tương đương, nữ đạt 33,33%; cấp uỷ cơ sở, chiếm 39,8%. Có 1 đồng chí nữ được bổ sung quy hoạch vào chức danh Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031.
Tiến tới thành lập câu lạc bộ nữ trí thức
Mặc dù các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ nhưng tỷ lệ nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý còn thấp; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ, đại biểu HÐND các cấp có nơi không đạt tỷ lệ đề ra; cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp còn rất ít; vẫn còn cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ trên 30% nhưng không có cán bộ chủ chốt là nữ. Cà Mau không có đại biểu Quốc hội là nữ, là thiệt thòi trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, chế độ, chính sách hỗ trợ trong đào tạo, luân chuyển đối với cán bộ nữ còn thấp; chế độ đối với cán bộ, công chức ở cơ sở nhìn chung chưa đảm bảo, chưa khuyến khích các đối tượng này học tập để nâng cao trình độ; trong công tác đào tạo còn những ràng buộc nhất định về tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định nên gặp khó khăn đối với những cán bộ trẻ.
Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, trí tuệ của nguồn nhân lực nữ trong tham gia nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trên các lĩnh vực, ngày 15/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Công văn số 1519-CV/TU về việc tăng cường chỉ đạo phát huy vai trò đội ngũ nữ trí thức tại địa phương.
Ðại biểu nữ tham quan khu trưng bày tại Ðại hội Ðại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh uỷ; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XIII về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội... đối với việc phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức; quan tâm bồi dưỡng, tạo điều kiện để nữ trí thức có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở chỉ đạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bản thân nữ trí thức tiên phong, gương mẫu, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào hoạt động của phụ nữ; có ý thức cầu tiến, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, giúp nhau cùng tiến bộ; đồng thời, tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, tri thức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn trong quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ.
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất thành lập Câu lạc bộ Nữ trí thức, dự kiến khoảng 25-30 thành viên, sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Câu lạc bộ nhằm kết nối, phát huy tiềm năng trí tuệ và khả năng đóng góp to lớn của lực lượng nữ trí thức trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, đồng thời nghiên cứu đề xuất, tham gia phản biện, xây dựng chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới"./.
Mộng Thường