Năm 2023, xã Rạch Chèo ghi nhận có 3 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, từ đầu năm 2024, cùng với triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh SXH.
Bác sĩ Tô Hoàng Vĩnh, Trưởng trạm Y tế xã Rạch Chèo, cho biết: “Ði đôi với phát động Nhân dân thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng, thả cá bảy màu vào lu, khạp có chứa nước sinh hoạt..., xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như trên hệ thống loa truyền thanh xã; cấp phát tài liệu, tờ bướm, tờ rơi; tuyên truyền miệng tại những cuộc họp đoàn thể ở các ấp".
Nhân viên Trạm Y tế xã thường xuyên giám sát những ổ dịch cũ; kiểm tra vệ sinh môi trường; tổ chức tập huấn cho cộng tác viên y tế các ấp để họ tuyên truyền đến từng hộ dân, vận động mọi người thực hiện phòng, chống SXH bằng những việc làm cụ thể.
Bà Ngô Bích Như, 42 tuổi, ấp Rạch Chèo, cùng cộng tác viên ấp lật úp các dụng cụ chứa nước không còn sử dụng, nhằm diệt lăng quăng, mầm mống của SXH.
Ðể phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, nhiều năm qua, xã Rạch Chèo tích cực phát động người dân nuôi cá bảy màu, bởi đây là biện pháp diệt lăng quăng, không cho chúng phát sinh thành muỗi - vật trung gian truyền bệnh SXH. Hiện nay, Trạm Y tế xã có 10 ao cá bảy màu và 5 ấp trong toàn xã có trên 40 ao; hằng năm cung cấp cho người dân trên 30 ngàn con cá bảy màu để nuôi trong lu, khạp diệt lăng quăng, phòng chống SXH.
Trạm Y tế xã Rạch Chèo hiện có 10 ao cá bảy màu cung cấp cá cho người dân. (Trong ảnh: Bác sĩ Tô Hoàng Vĩnh (bìa trái) cùng nhân viên trạm vớt cá bảy màu để thả trong các lu, khạp của người dân).
Chính nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nên ý thức phòng, chống SXH của người dân ngày càng nâng lên. Ðến thời điểm này, mặc dù toàn huyện Phú Tân tiếp nhận điều trị 13 ca SXH, nhưng xã Rạch Chèo không phát hiện ca mắc SXH nào.
Ông Võ Văn Khánh, 74 tuổi, ấp Rạch Chèo, cho biết: “Nhà có 3 cháu nội còn nhỏ nên gia đình rất ý thức trong việc phòng, chống SXH, như thả cá bảy màu vào các lu nước sinh hoạt, đậy kín các lu dự trữ nước. Những lu không sử dụng thì úp xuống; cho các cháu ngủ mùng, kể cả ban ngày”.
Hộ ông Võ Văn Khánh, ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, có 3 cháu nhỏ, nên luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH. (Trong ảnh: Bác sĩ Tô Hoàng Vĩnh, Trưởng trạm Y tế xã Rạch Chèo kiểm tra các dụng cụ chứa nước và ghi nhận ý thức phòng bệnh SXH của gia đình ông Khánh).
Bác sĩ Vĩnh thông tin: “Tuy xã chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống SXH. Thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng..., kịp thời phát hiện những điểm có nguy cơ xảy ra dịch bệnh SXH để xử lý, ngăn ngừa”.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể trong việc truyền thông, kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch, thì sự tham gia của người dân trong việc diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khai thông ao tù nước đọng... là biện pháp phòng bệnh SXH hiệu quả nhất./.
Phan Anh