(CMO) Việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT được xác định là nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành chứ không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH trong tỉnh. Do đó, hàng năm BHXH tỉnh đều ký các chương trình, kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các đoàn thể chính trị. Ðối với BHXH các huyện thì ký kết phối hợp với các phòng, ban, ngành huyện và 101 xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời là một trong những đơn vị tích cực tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với hội viên, nhờ đó mọi người nắm được chủ trương, quyền lợi về chính sách nên đã tích cực tham gia.
Ðến nay, Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời đã thực hiện đạt trên 140% chỉ tiêu người dân tham gia BHXH tự nguyện, số hội viên nông dân tham gia BHYT đạt trên 99%. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: "Ðể đạt được kết quả trên, hội phối hợp chặt chẽ với BHXH huyện, Bưu điện huyện. Theo đó, công tác tuyên truyền được thực hiện tại trụ sở văn hoá các ấp, khóm để tạo thuận lợi nhất cho hội viên tham dự để hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. Bởi, khi đã nắm được quyền lợi của mình thì họ sẽ tham gia nhiều hơn".
Nông dân Võ Hoàng Chiến, ấp Ðộc Lập, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Khi được chính quyền địa phương vận động về BHXH tự nguyện, tôi thấy rất có lợi. Trước hết, người tham gia BHXH tự nguyện khi lớn tuổi không còn sức lao động thì được hưởng lương hưu nếu đóng đủ từ 20 năm; trường hợp qua đời thì được hưởng mai táng phí. Từ đó, tôi thống nhất mua BHXH tự nguyện cho vợ mình”.
Công tác tại Chi hội Nông dân ấp, đã qua, khi được tuyên truyền chính sách BHXH, ông Võ Thành Ðô đã tham gia và tích cực vận động bà con nông dân cùng tham gia để cùng được hưởng chính sách an sinh.
Ông Võ Thành Ðô, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mũi Tràm C, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: "Tôi thường xuyên vận động bà con nông dân tham gia BHYT hộ gia đình. Về BHXH tự nguyện, bà con hiểu được đây là chính sách an sinh của Nhà nước, so với bảo hiểm bên ngoài mặc dù không được ưu đãi nhiều nhưng được sự quan tâm của Nhà nước nên người dân cũng tích cực tham gia”.
Ðối với các tổ chức chính trị, mỗi hội đoàn thể đều có cách tuyên truyền riêng đối với hội viên của mình. Như tại xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, để chăm lo sức khoẻ cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh vận động người dân tham gia BHYT cho bản thân và người thân trong gia đình thì Hội LHPN xã đã xây dựng thành công mô hình “Tổ phụ nữ hùn vốn mua BHYT”. Ðây là mô hình với cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, đang được nhân rộng. Bà Trương Thanh Thuý, Tổ trưởng Tổ 3, ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Ðông, cho biết, tổ gồm 17 hội viên. Ðể giúp các chị em trong tổ có điều kiện mua BHYT, từ năm 2016, các chị em bàn nhau hùn vốn mua BHYT. Mỗi tháng khi sinh hoạt tổ, bên cạnh việc chia sẻ về các phong trào của phụ nữ cũng như các chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước thì mỗi thành viên hùn 50.000 đồng; số tiền này sẽ trích ra mua BHYT xoay vòng cho từng thành viên trong tổ, số tiền còn lại sẽ dành đi thăm hỏi chị em ốm đau hay các chị có hoàn cảnh khó khăn, từ đó tình cảm các chị em trong tổ ngày càng thắt chặt.
Phụ nữ ấp Trần Mót hùn tiền tham gia BHYT xoay vòng. |
Bà Ngô Yến Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hưng Ðông, cho biết: “Công tác vận động chị em phụ nữ tham gia BHYT được Hội LHPN xã xác định là 1 trong 2 khâu đột phá của công tác Hội. Theo đó, tổ chức họp từng tổ tuyên truyền, vận động chị em tham gia BHYT, BHXH. Từ mô hình mua BHYT xoay vòng đạt hiệu quả của ấp Trần Mót, đến nay đã nhân rộng qua các ấp khác. Hiện toàn xã có 34 tổ phụ nữ tham gia BHYT xoay vòng”.
Mô hình “Hùn vốn xoay vòng mua BHYT” vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa giúp hội viên phụ nữ được chăm sóc sức khoẻ. Mô hình này góp phần rất quan trọng vào việc hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Phúc Duy