(CMO) Sau buổi khảo sát thực tế và làm việc tại huyện U Minh vào sáng cùng ngày, chiều 29/5, Đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình). Làm việc với đoàn có ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị.
Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị cùng dự buổi làm việc.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, các chính sách, chương trình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn được triển khai có hiệu quả với sự quan tâm của các cấp, các ngành và được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, đã góp phần ổn định đời sống người dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thiếu việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bước đầu chuyển đổi cơ cấu và chất lượng lao động theo hướng tích cực.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh ở mức 4,27% (bao gồm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ hộ cận nghèo), trong đó số hộ nghèo 7.407 hộ, chiếm 2,41%. Tổng nguồn vốn cho giai đoạn 2021-2025 trên 365 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3, huy động nguồn vốn tín dụng cho mục tiêu giảm nghèo đạt 3.657 tỷ đồng, tăng 79 tỷ đồng so với năm 2022.
Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn dưới 1%. (ảnh minh hoạ)
Xác định công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp, bước đi cụ thể. Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững để tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với từng chủ trương, chính sách khi được triển khai, thực hiện.
Đặc biệt, đã phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần quan trọng trong kết quả giảm nghèo. Các chi đoàn, chi hội, ban công tác Mặt trận đăng ký nhận đỡ đầu, giúp đỡ, hỗ trợ bằng nhiều hình thức 2.439 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, đã giúp thoát nghèo 1.793 hộ, chiếm 73,5% so với tổng số hộ được nhận giúp.
Được biết, nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 đến nay giải ngân rất thấp, tỷ lệ giải ngân nguồn ngân sách Trung ương chỉ đạt 1,529/79,721 tỷ đồng, đạt 1,91%; trong đầu tư còn mang tính dàn trải, nhỏ lẻ, dẫn đến chưa mang lại hiệu quả.
Nêu những nội dung cần tập trung thực hiện quyết liệt trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh công tác đầu tư cần trọng tâm, trọng điểm nhằm mang lại hiệu quả thiết thực; rà soát chặt các chương trình, dự án; quyết tâm tăng tỷ lệ giải ngân Chương trình...
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng, trong năm 2022 việc triển khai phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình cho các địa phương còn chậm, từ đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện Chương trình của địa phương cũng như kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình; cần phải có thể chế theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ.
“Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Cà Mau không có huyện nghèo nên không được thụ hưởng từ nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Do đó, đề xuất xem xét có chính hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau về nguồn vốn để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”, bà Nguyễn Thu Tư đề xuất, đồng thời thông tin, theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 toàn tỉnh Cà Mau có 4.598 hộ nghèo đang bị thiếu hụt về nhà ở.
Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét có hướng dẫn quy định chung cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp và mở rộng thêm nhóm đối tượng cho Chương trình, để địa phương làm cơ sở thực hiện. Đề nghị xem xét tháo gỡ hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng được quy định tại Điều 5 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg về chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, vì hiện tại ở mức 30 ngàn đồng/người/ngày thực học nghề là thấp, khó thu hút người tham gia.
-Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh lưu ý, gợi mở những nội dung trọng tâm Cà Mau cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới và phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh lưu ý mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng 6 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn, đây là nguồn lực cho xây dựng lộ giao thông, có trọng tâm, sử dụng lâu dài, tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông, vận chuyển hàng hoá, nâng cao đời sống, tạo thuận lợi cho giảm nghèo bền vững, góp phần cho xây dựng nông thôn mới.
“Về đa dạng hóa sinh kế, làm sao khi hoàn thành mô hình hỗ trợ sản xuất phải thoát nghèo, mang tính quy mô, dẫn dắt, tạo lan toả để nhiều người cùng làm theo. Cần nâng cao trình độ sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất. Muốn thoát nghèo thì phải tập trung đào tạo nghề, thu nhập mang tính ổn định, lâu dài để thoát nghèo bền vững. Từ đây, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tính đến xuất khẩu lao động…”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.
Trần Nguyên - Chí Diện
-