Tai nạn giao thông (TNGT) từ lâu đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, không chỉ chính bản thân những nạn nhân phải gánh chịu mà còn là gánh nặng lớn đối với những người thân, gia đình nạn nhân và xã hội.
- 100 suất quà trao tặng bà con khó khăn, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông
- Thăm hỏi các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
- Tiếp tục thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân tai nạn giao thông
Trường hợp ông Ðiệp Văn Em, ngụ Ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, là một trong những ví dụ điển hình về những hệ luỵ và nỗi đau do TNGT để lại. Trong một lần đi làm về, ông Em tự ngã xe bên vệ đường, phải vài giờ sau người dân mới phát hiện đưa ông đi cấp cứu. Bác sĩ kết luận ông bị chấn thương sọ não, gần như phải sống đời thực vật. Hơn 10 năm nay, ông Em phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do vợ ông, là bà Nguyễn Thị Tuyết, giúp đỡ, chăm sóc. Và khóc chính là cách thể hiện, cũng là cảm xúc duy nhất còn lại của ông Em mỗi khi có người lạ đến thăm.
Ông Điệp Văn Em, ngụ Ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh từ khi bị TNGT đến nay thì mọi sinh hoạt cá nhân đều do bà Tuyết vợ ông đảm nhận.
Bà Tuyết buồn bã chia sẻ: “Tôi gần như không còn nước mắt để khóc nữa rồi. Khó khăn lắm nhưng phải cố gắng, chớ biết làm sao, giờ thì chỉ biết cố gắng lo cho ổng được ngày nào hay ngày nấy. Mấy đứa con đi làm gởi tiền về cũng chỉ đủ trang trải lo cho ổng và đứa cháu nội đang học”.
Cũng giống như hoàn cảnh của ông Em, gia đình bà Phạm Hồng Yến, ngụ địa bàn Ấp 11, xã Khánh Thuận, cũng gần như kiệt quệ về kinh tế khi bà Yến bị TNGT phải nằm một chỗ gần 3 năm nay. Gần như mọi điều kiện kinh tế gia đình phải đổ dồn cho việc lo điều trị cho bà Yến, với khoản chi phí mỗi tháng phải duy trì hơn 5 triệu đồng. Ông Lê Quang Sướng,chồng bà Yến, chia sẻ: “Từ khi vợ tôi bị tai nạn đến nay, gia đình tốn kém rất nhiều, mọi dự tính cất căn nhà mới cũng tan thành mây khói. Giờ cũng chỉ cất nhà tiền chế để che nắng, che mưa”.
Ðại diện Ban An toàn giao thông tỉnh đến động viên, thăm hỏi gia đình nạn nhân Phạm Hồng Yến, ngụ Ấp 11, xã Khánh Thuận.
Ðó là hai trong rất nhiều trường hợp chịu tổn thất nặng nề của nỗi đau mang tên TNGT trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có thể thấy, TNGT để lại nhiều hệ luỵ, cũng như gánh nặng lớn cho người thân, đặc biệt là đối với những nạn nhân bị chấn thương nặng phải sống cuộc đời thực vật đến cuối đời. Những hệ luỵ này không chỉ dừng lại ở mặt tài chính, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và đời sống hằng ngày của các thành viên trong gia đình.
Mỗi trường hợp TNGT, ít nhiều cũng để lại những hệ luỵ, áp lực đối với xã hội. Ðể giải quyết các vấn đề này, cần lắm sự chung tay, đồng hành hỗ trợ, sẻ chia từ cộng đồng, từng bước giúp các gia đình nạn nhân, nạn nhân không may bị TNGT vượt qua khó khăn, giảm gánh nặng cuộc sống. Và, những gánh nặng từ nỗi đau mang tên TNGT một lần nữa nhắc nhở rằng, mỗi người cần nâng cao ý thức trong chấp hành luật giao thông, đó không chỉ là hành động bảo vệ bản thân mà còn là việc giữ gìn hạnh phúc cho gia đình mình và cả cộng đồng./.
Lê Chí