Những ngày Tết cận kề, lượng hàng hoá đổ về các chợ ngày càng nhiều dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, khí gas tăng lên đáng kể. Ðiều này khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ cao.
Để hạn chế rủi ro, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền và triển khai thực hiện nhiều biện pháp chủ động phòng, chống cháy nổ tại cơ sở. Ban quản lý các chợ chủ động tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, các tiểu thương sử dụng các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC), luôn đề cao cảnh giác và tuân thủ chế độ an toàn điện; đồng thời phân công người thường xuyên trực PCCC tại các chợ. Ban quản lý chợ còn tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn PCCC, không hút thuốc tại khu vực cấm và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy làm nhiệm vụ khi có tình huống xấu xảy ra.
Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Cà Mau kiểm tra các thiết bị PCCC tự trang bị của các tiểu thương.
Anh Nguyễn Khắc Duẩn, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Cà Mau, cho biết: "Tổng số các chợ công ty quản lý có 576 quầy, cho thuê 505 quầy, với diện tích hơn 10.000 m2. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành chức năng, PC07, Phòng Kinh tế thành phố nên trong công tác quản lý không gặp vấn đề khó khăn nào. Chúng tôi cũng phối hợp với Ðiện lực TP Cà Mau thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương các vấn đề về an toàn điện".
Ngoài ra, ban quản lý các chợ cũng ký kết hợp đồng với các công ty chuyên về thi công, lắp đặt và cung cấp các thiết bị PCCC, tiến hành bảo hành định kỳ hệ thống báo cháy, thiết bị PCCC trước Tết 1 tháng để đảm bảo sẵn sàng công tác ứng phó khi xảy ra cháy nổ trong khu vực chợ.
Song song với công tác kiểm tra, giám sát của ban quản lý các chợ, ý thức của các tiểu thương cũng là yếu tố tiên quyết trong công tác PCCC ở các khu chợ. Nhận thức được hậu quả của cháy nổ từ thực tế các vụ đã xảy ra, tiểu thương ngày càng ý thức hơn trong đảm bảo PCCC.
Ông Ngô Chí Diễn, tiểu thương kinh doanh mặt hàng nông cụ tại chợ Phường 7, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi tuyệt đối không đốt nhang muỗi vì dễ bắt lửa. Tôi cũng tự đề nghị các cán bộ ban quản lý chợ trang bị, kiểm tra bình chữa cháy thường xuyên, đổi bình khi có vấn đề hay quá hạn sử dụng để đảm bảo PCCC, không để xảy ra vi phạm nào". Anh Lê Việt Hải, tiểu thương kinh doanh mặt hàng bách hoá tại chợ Phường 7, chia sẻ thêm: "Tôi tự trang bị thêm bình chữa cháy xách tay, nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ hướng dẫn mua và sử dụng sao cho đúng nhất. Quầy của tôi cũng đảm bảo nguồn điện an toàn. Tôi cũng được trang bị kiến thức PCCC qua tham gia các buổi thực tập hướng dẫn cho tiểu thương, để khi có sự cố xảy ra thì biết cách xử lý".
Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, giám sát tại các điểm chợ như: chợ Bách hoá Cà Mau, Phường 7; chợ Tắc Vân... định kỳ 2 lần/năm theo quy định. Ðơn vị luôn có giao ban, giao ca, tất cả chiến sĩ vào buổi sáng đều kiểm tra và bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy 15 phút, khởi động, thao tác để máy móc, phương tiện, thiết bị quản lý đảm bảo hoạt động hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại các chợ diễn ra khá thường xuyên.
Thượng tá Bùi Vũ Khắc, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, cho biết: "Theo kế hoạch, đơn vị phối hợp với công an các huyện, TP Cà Mau, với các cơ quan báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC đối với trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với công an các huyện, TP Cà Mau tổ chức kiểm tra các nơi tập trung đông dân cư, nhất là chợ... Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở, đơn vị còn hướng dẫn kỹ năng, kiến thức cơ bản về PCCC, sử dụng phương tiện chữa cháy, đảm bảo khi có sự cố cháy nổ xảy ra thì kịp thời dập tắt ngay từ đầu".
"Với những lỗi nhỏ, chúng tôi hướng dẫn, nhắc nhở để cơ sở khắc phục. Còn đối với những lỗi có nguy cơ xảy ra cháy nổ, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, những trường hợp nguy hiểm, nguy cơ trực tiếp thì tiến hành tạm đình chỉ hoặc đình chỉ theo quy định", Thượng tá Bùi Vũ Khắc nhấn mạnh./.
Lam Khánh