Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một trong những yêu cầu đặt ra trong việc tổ chức các hoạt động cao điểm đảm bảo TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, theo kế hoạch của Ban ATGT tỉnh Cà Mau.
Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một trong những yêu cầu đặt ra trong việc tổ chức các hoạt động cao điểm đảm bảo TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, theo kế hoạch của Ban ATGT tỉnh Cà Mau.
Bởi lẽ, tháng 1/2015, mặc dù mới giáp Tết nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3 người, bị thương 17 người (số vụ và người bị thương đều tăng so với cùng kỳ năm 2014). Bên cạnh đó, xảy ra 42 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 64 người (số vụ và người bị thương cũng tăng so với cùng kỳ năm 2014). Từ nay đến cuối tháng 2/2015 (cao điểm Tết Nguyên đán), hoạt động giao thông sẽ diễn biến rất phức tạp và TNGT có nguy cơ sẽ tăng đột biến.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trước tiên, đòi hỏi chính quyền các cấp phải nhập cuộc quyết liệt, tập trung tuyên truyền một số quy định chính như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô-tô, xe gắn máy; tuân thủ quy định tốc độ; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; không chở quá số người quy định; mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thuỷ; đi đêm phải có đèn chiếu sáng; các quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách... nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ quy tắc giao thông của đội ngũ lái xe, người điều khiển phương tiện thuỷ.
Học sinh chưa ý thức việc mặc áo phao khi đi đò đến trường. |
Ngành chức năng tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật của ô-tô chở khách liên tỉnh và điều kiện kinh doanh vận tải khách của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công trình giao thông đang thi công phải hoàn trả mặt đường để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện đi lại trong dịp lễ, Tết nhằm tránh ùn tắc giao thông do thi công công trình.
Song song đó, cần rà soát lại các hệ thống cọc tiêu, biển báo, báo hiệu, phao tiêu… để thay thế, bổ sung kịp thời, nhất là ở những đoạn đường, những nơi thường xảy ra TNGT. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, thiết lập trật tự kỷ cương lòng đường, hè phố.
Tăng cường tuần tra lưu động
Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và chỉnh trang hạ tầng giao thông thì biện pháp xử phạt răn đe cũng là giải pháp tích cực để đảm bảo TTATGT, kéo giảm TNGT.
Trong tháng 1/2015, các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý gần 3.400 trường hợp vi phạm TTATGT, các lỗi vi phạm nhiều nhất là chạy quá tốc độ. Lực lượng làm nhiệm vụ đã xử phạt hành chính trên 3 tỷ đồng, tước (có thời hạn) 462 giấy phép lái xe, tạm giữ trên 1.300 phương tiện. Lỗi vi phạm sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép thường là nguyên nhân kép trong các trường hợp vi phạm TTATGT. Vì vậy, xử lý nồng độ cồn đã được Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) tổ chức thực hiện liên tục (bắt đầu từ tháng 7/2014). Song, trong đợt cao điểm xử lý, vi phạm trường hợp này vẫn xảy ra cao, trong đó có không ít trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn.
Trung tá Ðoàn Thanh Khải, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện tại, Phòng đã triển khai kế hoạch cao điểm đảm bảo TTATGT trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung xử lý hành vi vi phạm của thanh - thiếu niên tụ tập chạy hàng 2, hàng 3 trên đường; tụ tập đua xe trái phép, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường… kiểm soát tuần lưu kết hợp với kiểm soát tại chốt kiểm tra nồng độ cồn. Xử lý vi phạm kết hợp với tuyên truyền, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Ðồng thời, tăng cường tuần tra ban đêm để trấn áp tội phạm.
Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, không chỉ chú trọng đến TTATGT đường bộ, giao thông đường thuỷ cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ vì TNGT đường thuỷ có tỷ lệ tử vong rất cao (thường là chết do ngạt nước). Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền việc mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thuỷ (PTT) để nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ quy tắc giao thông của người điều khiển PTT. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch đảm bảo TTATGT, tổ chức vận tải của các lực lượng, các doanh nghiệp vận tải đường thuỷ, bến tàu, kiểm tra an toàn kỹ thuật PTT chở khách và các điều kiện bảo đảm an toàn tại các bến khách ngang sông. Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với PTT vận tải khách du lịch vào thời điểm lễ, Tết.
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi sẽ tạo tiền đề thực hiện hiệu quả hoạt động đảm bảo TTATGT năm 2015./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha