Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Cà Mau là 1 trong 50 điểm trường thực hiện Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học.
Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) là chương trình được Bộ GD&ÐT triển khai nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang mô hình dạy và học cả ngày ở các trường tiểu học. Theo lộ trình từ năm 2010-2015, Cà Mau thực hiện Chương trình SEQAP với tổng số 50 trường tiểu học thuộc 9 huyện, thành phố, với 843 lớp và trên 20.000 học sinh.
Việc triển khai thực hiện Chương trình SEQAP từng bước tạo sự chuyển biến tích cực ở các trường tiểu học, rút ngắn khoảng cách sự chênh lệch trình độ với vùng thuận lợi, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, giảm thiểu học sinh lưu ban, tạo sự chuyển biến, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường tiểu học.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Cà Mau là 1 trong 50 điểm trường thực hiện Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học. |
Thầy Lê Phước Hậu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Vọng, huyện Ðầm Dơi, phấn khởi cho biết, trường có 18 lớp với 434 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được hưởng lợi từ Chương trình SEQAP. Chương trình triển khai từ năm học 2010-2011, đến nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cha mẹ học sinh, sự quan tâm của chính quyền địa phương. Nhất là việc ăn trưa tại trường giúp các em được ăn cơm tập thể, ngủ, nghỉ, vui chơi, không phải đi về buổi trưa, tinh thần thoải mái, học tập hứng thú, hiệu quả hơn. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn có thêm thời gian dành cho học tập, tổ chức các hoạt động tập thể, rèn kỹ năng sống, các em có điều kiện nắm vững kiến thức hơn, chất lượng giáo dục ở các lớp dạy học 2 buổi/ngày cũng được nâng lên.
Ngoài việc tập trung dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, các trường xây dựng kế hoạch dạy học buổi thứ 2 tập trung chủ yếu vào các nội dung: củng cố kiến thức, tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu. Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục an toàn giao thông, tổ chức các câu lạc bộ trong nhà trường như văn nghệ, thể dục thể thao. 100% các trường tham gia SEQAP đều thực hiện tốt việc dạy học 2 buổi/ngày.
Ông Lâm Hoàng Nên, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin - Thiết bị thư viện, Sở GD&ÐT Cà Mau, đánh giá, cùng với nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đã được các trường quan tâm đầu tư. Ngoài ra, việc triển khai công tác tự học, tự bồi dưỡng, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm về việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh cũng được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của các trường tham gia Chương trình SEQAP được tham gia tập huấn các mô đun của chương trình do Sở GD&ÐT, các phòng GD&ÐT tổ chức.
Năm 2014, thực hiện Chương trình SEQAP, Cà Mau được Trung ương hỗ trợ trên 26 tỷ đồng, ngân sách địa phương 5,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Cà Mau đã xây dựng 73 phòng học, 27 nhà vệ sinh, 5 nhà đa năng; đào tạo - hội thảo, quỹ giáo dục nhà trường, quỹ phúc lợi học sinh trên 10,6 tỷ đồng. Chương trình SEQAP năm 2015 được thực hiện với tổng kinh phí trên 46,4 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ trên 36,8 tỷ đồng, số còn lại do ngân sách địa phương đối ứng. |
“Chỉ hơn 4 năm thực hiện, Chương trình SEQAP đã mang lại những hiệu quả rất lớn. Khi chương trình kết thúc thì cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hiện có sẽ đảm bảo để nhà trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nhà trường không có nguồn kinh phí hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh nên mô hình này sẽ rất khó duy trì”, thầy Lê Phước Hậu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Vọng, huyện Ðầm Dơi, trăn trở.
Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, học sinh tiểu học là người dân tộc, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia Chương trình SEQAP đã được tiếp cận, chuyển đổi sang mô hình dạy học cả ngày ở cấp tiểu học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong thời kỳ công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế./.
Bài và ảnh: Thanh Phương