Chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng đến việc phát triển trí tuệ, thể chất của trẻ em. Chính vì vậy, việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mầm non cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ban, ngành, quan trọng nhất là giữa nhà trường và phụ huynh.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng đến việc phát triển trí tuệ, thể chất của trẻ em. Chính vì vậy, việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mầm non cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ban, ngành, quan trọng nhất là giữa nhà trường và phụ huynh.
Trẻ ở lứa tuổi mầm non rất cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh không quá dư thừa chất dẫn đến béo phì, nhưng cũng không quá thiếu hụt làm trẻ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, bữa ăn của trẻ cần phải được đảm bảo đầy đủ đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất.
Một bữa ăn chính tại Trường Mẫu giáo An Xuyên, TP Cà Mau. |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau, cho biết, công tác quản lý, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) rất quan trọng. Cần phải đảm bảo 100% trẻ đến cơ sở GDMN được kiểm tra sức khoẻ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng, phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi, khống chế tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì. Trẻ ở độ tuổi từ 1-3 tuổi, cân nặng trung bình 14 kg, nhu cầu năng lượng là 1.180 Kcal; độ tuổi từ 4-6 tuổi nhu cầu năng lượng 1.470 Kcal với cân nặng trung bình là 20 kg.
Ðể đảm bảo có đủ thành phần dinh dưỡng, tăng thêm giá trị của bữa ăn, cần sự phối hợp nhiều loại thức phẩm trong từng bữa ăn (nên phối hợp từ 15-20 loại). Thường xuyên thay đổi thực đơn, cách chế biến để tạo ra các bữa ăn ngon miệng, hấp dẫn và đủ chất. Trẻ mầm non phải có bữa ăn phù hợp về khẩu vị, ngon, tiết kiệm và đặc biệt là bữa ăn phải diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, thoải mái.
Cô Nguyễn Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Xuyên, TP Cà Mau, chia sẻ: “Trường có 252 trẻ học bán trú, 10 cô giảng dạy, 3 cô cấp dưỡng. Mỗi ngày các trẻ ăn 3 bữa, bữa sáng ăn cháo thịt, bún, phở, nui…; bữa trưa ăn cơm, 1 món canh, 1 món mặn, trái cây…; chiều thì ăn nhẹ với cháo, yaourt, trái cây… Trong tuần, chúng tôi liên tục thay đổi thực đơn, tránh nhàm chán trong bữa ăn, kết hợp đa dạng thực phẩm để tạo nhiều thực đơn phong phú. Thực phẩm như cua, tôm, cá, thịt… được dùng thường xuyên, trái cây được lựa chọn theo mùa để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ”.
Thực tế, nhiều trẻ mầm non hiện nay có xu hướng biếng ăn hay chỉ thích ăn một vài loại thức ăn. Rau, quả đối với nhiều trẻ là “món ăn khó”, các em chỉ thích ăn món chiên, xào, thức ăn ngọt, béo, thức uống có ga… nên gây hại đến sức khoẻ, giảm sự phát triển lành mạnh.
“Việc tạo thói quen cho trẻ ăn uống thiếu dưỡng chất là do người lớn không biết cách chăm sóc trẻ. Tuổi mầm non là giai đoạn rất quan trọng trong việc phát triển thể trạng, trí thông minh của trẻ. Nhiều cơ sở GDMN dạy bán trú vẫn còn tình trạng cho trẻ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng hay thực đơn lặp đi lặp lại chỉ vài món. Hoặc ở gia đình do không có thời gian, nhiều phụ huynh chỉ cho con ăn thịt, trứng mà không hề tập cho trẻ ăn cá, rau, quả. Cách chăm sóc dinh dưỡng đó là việc làm hết sức nguy hại đến thế hệ trẻ em, mặc dù sự phát triển của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, song, việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý là yếu tố thiết yếu nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ”, Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân nhận định.
Trẻ mầm non có thể rất kén chọn và cầu kỳ trong bữa ăn, chính vì vậy, nhà trường cùng gia đình cần trang bị kiến thức để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Không quá chú trọng vào bữa ăn chính, ngoài bữa ăn chính thì các bữa phụ cũng cần đảm bảo dinh dưỡng. Trẻ em có thể tự quyết định lượng thực phẩm cần thiết để cung cấp năng lượng cho hoạt động cả ngày của mình và sẽ phát triển tự nhiên khi được ăn theo ý thích. Ép trẻ ăn hết thức ăn trong bát hoặc trao bánh kẹo như phần thưởng có thể gây nên tình trạng béo phì cho trẻ sau này.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân khuyến cáo: “Phần lớn trẻ em hiện nay đang đứng trước nguy cơ thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Việc ăn uống theo lối nhanh gọn, nhiều hoá chất đã gây hại đối với trẻ em, nên hạn chế tối đa việc cung cấp kẹo bánh, nước ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ, hãy bổ sung nhiều nước, sữa, rau củ quả, yaourt…
Ngoài ra, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tiến hành kiểm tra, rà soát những điểm trường mẫu giáo chưa tuân thủ đúng quy định về công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề dinh dưỡng cho trẻ tại nhà, thay những thức ăn đường phố kém vệ sinh bằng nhiều thức ăn có giá trị dinh dưỡng tốt”./.
Theo thông tin từ Sở GD&ÐT Cà Mau, số trẻ được ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non là 14.851/32.047 trẻ, chiếm 46.34%, tăng 3,17% so với cùng kỳ năm học trước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ hiện nay là: nhẹ cân 3,3%, giảm 4,1%; thấp còi 2,6%, giảm hơn 3,5% so với đầu năm học. |
Bài và ảnh: Hằng My