Ðược đầu tư từ năm 2018, 217 hệ thống nước sạch trong trường học trên địa bàn tỉnh khi đó đã đáp ứng nhu cầu bức thiết về nước sạch của nhiều trường học, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, hiện nay, một số hệ thống đã xuống cấp, cần được sửa chữa để đảm bảo nước sạch phục vụ học sinh.
Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) cho biết, từ năm 2018-2021, Sở đã được giao đầu tư mua sắm 217 hệ thống nước uống sạch tại các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông, với tổng kinh phí ban đầu trên 95 tỷ đồng. Ưu tiên đầu tư cho những trường có đông học sinh, trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và những nơi đủ điều kiện đáp ứng phân tích nguồn nước phù hợp với hệ thống.
Theo đó, trong năm 2018, đơn vị đã đầu tư 17 hệ thống, năm 2019 đầu tư 42 hệ thống, năm 2020 có 50 hệ thống và đến năm 2021 có 108 hệ thống nước uống đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ÐT, cho biết: “Việc đầu tư hệ thống này tại các trường học được đánh giá là rất cần thiết và thiết thực. Ðặc biệt là những trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hệ thống này đã đáp ứng yêu cầu của nhà trường, học sinh, một phần giúp giảm chi phí cho học sinh trong việc mua nước uống đóng chai, học sinh không còn mang chai nước đến trường. Ða số phụ huynh học sinh và Nhân dân địa phương hài lòng, ủng hộ cao về chủ trương, an tâm khi con em sử dụng hệ thống nước uống tinh khiết tại trường".
Hệ thống nước lọc được đầu tư chi phí cao, thiết bị hiện đại, theo đó, chi phí linh kiện, sửa chữa cũng gặp nhiều khó khăn. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học 2 Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời).
Tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng, vận hành, một số hệ thống đã xuống cấp. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ÐT, Phòng GD&ÐT các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, kết hợp Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra hệ thống chất lượng nguồn nước. Qua kết quả kiểm tra, phân tích đánh giá chất lượng nguồn nước, nhìn chung đảm bảo theo quy định, song cũng ghi nhận có 37 hệ thống (tập trung ở các huyện: Năm Căn, U Minh, Trần Văn Thời, Ðầm Dơi, Cái Nước...) bị hư, cần sửa chữa và khắc phục ngay để đảm bảo nhu cầu nước sạch cho học sinh.
Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có 27 điểm trường được đầu tư hệ thống nước sạch. Qua kiểm tra, có 23 hệ thống được sử dụng ổn định, 4 hệ thống cần được sửa chữa. Ðến thời điểm này, 4 hệ thống trên đã được khắc phục và tiếp tục đưa vào sử dụng.
Trường Tiểu học 2 Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, là một trong những đơn vị gặp khó khăn về công tác sửa chữa, khắc phục hệ thống nước sạch trường học. Thầy Ngô Văn Say, Hiệu trưởng, chia sẻ: “Hệ thống nước sạch trường học được đầu tư cuối năm 2019 và đến tháng 4/2020 thì đưa vào vận hành. Việc đầu tư hệ thống này mang lại lợi ích rất lớn, cung cấp nước sạch cho toàn bộ học sinh của trường. Ðặc biệt, đối với địa bàn Sông Ðốc, đa phần điều kiện gia đình các em thuộc diện di dân, cha mẹ làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nên rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, việc cung cấp nước sạch miễn phí tại trường tạo điều kiện rất lớn cho con em học sinh nơi đây”.
Hệ thống nước sạch tại Trường Tiểu học 2 Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời vừa được sửa chữa, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho học sinh tại trường.
Tuy nhiên, do hệ thống được đầu tư với chi phí cao, khoảng 400 triệu đồng/hệ thống, các linh kiện điện tử hiện đại, theo đó đòi hỏi chi phí bảo trì, sửa chữa cũng cao và tốn kém. “Ðặc thù vùng sông nước như Sông Ðốc, qua thời gian sử dụng thì các phần mềm, thiết bị điện tử cũng dễ hỏng, xuống cấp. Hằng năm, nhà trường cũng tốn khá nhiều kinh phí để sửa chữa. Mong muốn của nhà trường là được hỗ trợ chi phí bảo trì, bảo dưỡng hằng năm để duy trì hệ thống nước sạch”, thầy Say bày tỏ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ÐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo rà soát về vấn đề này, phân khai kinh phí cho các địa phương về duy tu sửa chữa hệ thống nước sạch ở trường học. Ðến thời điểm này, còn 8 điểm trường cần khắc phục, chủ yếu hệ thống ở các huyện. Riêng các trường trực thuộc Sở GD&ÐT, hiện hệ thống nước sạch vận hành tốt. Tuy nhiên, còn nhiều hệ thống hiện nay chưa ký hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng.
Trường THCS Sông Ðốc bày tỏ mong muốn được hỗ trợ kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng hệ thống nước uống sạch tại đây.
Về vấn đề khắc phục, sửa chữa hệ thống nước sạch, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc Sở GD&ÐT (chủ đầu tư) phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Ðồng thời, Sở GD&ÐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương thực hiện sửa chữa ngay để đảm bảo phục vụ nhu cầu nước uống sạch cho học sinh; lưu ý phải thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng theo đúng quy định. Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện định kỳ kiểm tra chất lượng nước uống và bảo dưỡng hệ thống, nhất là trong thời gian nghỉ hè, học sinh nghỉ dài; chỉ đưa vào sử dụng hệ thống nước uống khi đạt tiêu chuẩn theo quy định.
“Giao Giám đốc Sở GD&ÐT thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống nước uống sạch của các đơn vị trường học; đảm bảo 100% hệ thống nước uống sạch đã được đầu tư phải đủ điều kiện sử dụng phục vụ thường xuyên, tuyệt đối không được để hệ thống nước uống sạch không đủ điều kiện sử dụng”, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý./.
Hồng Nhung - Hưng Thái