(CMO) Chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 vào chiều 12/1, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đảm bảo người dân đón Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi, an toàn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp chăm lo chu đáo nhất để mọi người, mọi nhà, nhất là người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bão lũ, thiên tai đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn, không để ai bị thiếu ăn, không ai không có Tết.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. |
Đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4, đã ảnh hưởng lớn đến lao động, việc làm, an sinh xã hội (ASXH) của người dân. Theo đó, đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống ASXH hiện hành chưa bao phủ tới.
Trong bối cảnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo ASXH, có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn: Thực hiện Nghị quyết 68, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng, với số tiền gần 36.000 tỷ đồng; Triển khai Nghị quyết số 116, đến nay, đã hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động, với số tiền trên 30.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hoá to lớn của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong dịch bệnh. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; các chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực, kịp thời, ý nghĩa và tạo được niềm tin sâu rộng trong Nhân dân.
Tại Cà Mau, hơn 65.600 người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được cấp gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia. |
Song song đó, toàn ngành đã dồn lực tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cục bộ, ổn định thị trường lao động, đề xuất các biện pháp phục hồi các chính sách ASXH do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường trong năm 2022 - 2023 nhưng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, các nước (trong đó có Việt Nam) sẽ chuyển sang “trạng thái bình thường mới”. Vì vậy, để bảo đảm ASXH, phục hồi sản xuất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề ra nhiều giải pháp: Hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm; Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch và thiên tai, rủi ro; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và tăng cường chuẩn hóa chất lượng lao động; Tăng cường hiệu quả các chính sách ASXH hiện hành, nỗ lực hướng tới hệ thống an sinh đáp ứng với các cú sốc diện rộng…
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, ngành cần chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và bảo đảm ASXH; bên cạnh đó, kịp thời có giải pháp, chính sách về lao động - việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đối với công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, thụ hưởng đầy đủ chính sách và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội”, Phó thủ tướng nhấn mạnh./.
Băng Thanh