(CMO) Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), tỉnh Cà Mau không tổ chức họp mặt. Mừng ngày trọng đại của nghề không tiệc, không hoa, song những người làm báo động viên nhau, khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát, không còn nguy cơ thì khi đó lại có những cuộc họp mặt vui hơn, trọn vẹn hơn.
Ðánh dấu một năm nhiều nỗ lực, gặp gỡ, tâm sự nghề với những tác giả có tác phẩm đoạt giải cao tại giải Báo chí Trần Ngọc Hy lần thứ XXX mới thấy hết lửa nghề của đội ngũ người làm báo nơi mảnh đất cực Nam Tổ quốc. Phía sau những hình ảnh, những câu chuyện trên báo, trên sóng là sự dấn thân đầy vất vả và trách nhiệm với nghề, với xã hội.
Nhà báo Lê Phong Phú, báo Cà Mau: Mong muốn tác nghiệp không có vùng cấm
Cùng với nhiệm vụ chung của Phòng Phóng viên, tôi được giao công việc tiếp nhận đơn, thư và phản ánh của bạn đọc. Ðã qua, tuỳ trường hợp, tôi đã phối hợp làm việc trực tiếp với ngành, địa phương có liên quan để đảm bảo trả lời nhanh chóng, chính xác đến bạn đọc hoặc hướng dẫn bạn đọc thực hiện đúng trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi công dân trong khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở các đơn, thư, tôi có nhiều bài viết phản ánh, như vấn đề cắt hợp đồng với giáo viên đang mang thai, tôi đã thực hiện đến 12 tin, bài, phỏng vấn để đòi lại quyền lợi cho người lao động. Và kết quả, ngành giáo dục ở huyện đã nhận thiếu sót, phục hồi công việc và các chế độ với giáo viên. Hiện, giáo viên này có cuộc sống khá đảm bảo, công việc tiến triển tốt. Hay một số tin, bài có ảnh hưởng lớn như: Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường - Có kiểm tra vẫn diễn ra nghiêm trọng; Dân nói xả thải, công ty nói nước mưa; Quản lý đất công - chuyện như đùa ở Tân Phú; Ðể các nhà thiếu nhi không vắng thiếu nhi; Ðể “mua rác” không còn độc quyền…
Nhà báo Lê Phong Phú tác nghiệp tại huyện Trần Văn Thời mùa nước ngập năm 2020. |
Ðể công tác tiếp nhận, xử lý thông tin từ bạn đọc phát huy tốt hơn trong vai trò của báo chí, tôi nghĩ không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ thông tin từ ngành chức năng và chính quyền địa phương. Do vậy, với những vấn đề toà soạn chuyển trả lời bằng văn bản thì ngành, địa phương cần nhiệt tình phản hồi thông tin theo quy định. Với những vấn đề phóng viên trực tiếp xác minh, cơ quan chức năng, địa phương nên cởi mở và cử người có trách nhiệm cung cấp thông tin, hạn chế tình trạng né tránh trả lời. Mặt khác, việc xác minh vấn đề công dân phản ánh ít nhiều đụng chạm đến quyền lợi, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Do vậy, phóng viên cũng cần được đảm bảo an toàn theo các quy định hiện hành. Và mong muốn lớn nhất của bản thân là trong tác nghiệp không có vùng cấm.
Nhà báo Phạm Quốc Rin, báo Cà Mau: Cảm xúc với chốn thiêng liêng Ðất Mũi
Tác phẩm “Phượt” Mũi Cà Mau của Nhà báo Phạm Quốc Rin đoạt giải Nhất (bút ký) giải Báo chí Trần Ngọc Hy lần thứ XXX năm 2021. Nhà báo Phạm Quốc Rin đã có những chia sẻ gan ruột về đề tài này.
"Từ khi khánh thành cầu Năm Căn, đường Hồ Chí Minh nối về tận Ðất Mũi, những chuyến công tác của anh em phóng viên về nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc cũng thuận tiện hơn nhiều. Thế nhưng, kỷ niệm về thời đi công tác bằng tàu đò, cao tốc xuôi về Ðất Mũi vẫn còn chưa phai nhoà. Và để bản thân có cơ hội trải nghiệm lại cảm giác bồng bềnh sông nước, tôi xuôi một chuyến cao tốc khách đi về Ðất Mũi. Trên chặng đường ấy, tôi nhận ra sự hồi sinh diệu kỳ của những bờ sông. Không còn tình trạng sạt lở, mà thay vào đó là những mảng rừng xanh, bãi phù sa bồi tụ vững chắc. Nghĩ rằng khi con người ứng xử một cách văn minh, phù hợp với thiên nhiên thì sẽ không dẫn đến những hệ luỵ đáng tiếc. Hãy để thiên nhiên tự tái tạo, liền sẹo những vết thương bằng chính thái độ thuận thiên chớ không phải là những công trình, dự án khiêng ép, cưỡng cầu.
Nhà báo Phạm Quốc Rin (phải) cùng đồng nghiệp trong chuyến tác nghiệp tại khu du lịch sinh thái Mười Ngọt năm 2020. |
Phía khác, tôi vẫn thấy mình yêu những dòng sông quê hương. Người dân Cà Mau vẫn giữ được nhịp sống dung dị, đằm thắm cùng nhịp thuỷ triều lên xuống mỗi ngày. Về Ðất Mũi từ phía những dòng sông, trên cao tốc, đó là cảm giác thật đặc biệt mà khi đi bằng đường bộ người ta không thể cảm nhận được. Ðất Mũi là chốn thiêng của Cà Mau, của Tổ quốc. Những tiềm năng của đất này có thể chính là nguồn lực quan trọng trong tương lai phát triển Cà Mau. Ðất Mũi cần phát triển, tuy nhiên, phải là một mục tiêu bền vững, hài hoà giữa kinh tế - văn hoá xã hội và môi trường sinh thái. Chỉ cần giữ được những dòng sông, bãi bồi, rừng đước, rừng mắm thì Ðất Mũi sẽ mãi mãi trường tồn. Mà Ðất Mũi còn, nghĩa là người Việt Nam còn nơi chốn thiêng liêng để trở về".
Nhà báo Nguyễn Phú, báo Cà Mau: Ðồng hành cùng vất vả của nhà nông
Biến đổi khí hậu - một vấn đề nóng bỏng không chỉ trong tỉnh, khu vực mà nó đã trở thành tâm điểm mang tính toàn cầu. Nhiều năm gắn bó với bà con nông dân, chứng kiến những khó khăn, vất vả mà nông dân gặp phải trong các vụ mùa, dù rất cực nhọc nhưng có khi phải trắng tay vì sự cực đoan của thiên tai. Chính vì thế, tôi đã thực hiện loạt bài “Sản xuất trước biến đổi khí hậu” và đã đoạt giải Nhất (phóng sự) giải Báo chí Trần Ngọc Hy năm nay. Ðó là quá trình trăn trở từ ý tưởng, tích luỹ nguồn tư liệu từ các cơ quan chuyên môn, nhằm phản ánh thực trạng nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những tồn tại, hạn chế từ các công trình, hạ tầng phục vụ sản xuất cho đến cách thức tổ chức sản xuất, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân, nhất là trước những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu như hiện nay, gửi gắm khát vọng của nông dân làm sao sản xuất đạt hiệu quả cao nhất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đã phần nào hạn chế tầm hoạt động của anh em phóng viên. Nhất là những đợt giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách… khiến việc chia sẻ, trao đổi với các nhân vật thiếu sự gần gũi và chân tình. Không chỉ vậy, hình ảnh cũng rất khó thể hiện từ bố cục cho đến tình cảm do phải giữ khoảng cách với nhau; việc đeo khẩu trang khiến bức ảnh không thể lột tả được trạng thái, cảm xúc của nhân vật… Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, anh em phóng viên vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhà báo Lâm Như, Ðài PT-TH Cà Mau: Trăn trở với nhịp sống quê hương
Những thân đước rắn rỏi, kiên cường bám rễ giữ đất nơi mũi phù sa lấn biển đã tạo nên sản phẩm đặc trưng xứ sở mà hiếm nơi nào có thể sánh được về chất lượng. Là những mẻ than đước chắc tay, cháy bền; là những đôi đũa đước được kỳ công, tỉ mẩn, càng sử dụng lại càng đẹp mà chẳng cần chất bảo quản nào… Nhiều hộ gia đình đã duy trì nghề làm than, nghề làm đũa như nghề truyền thống của gia đình, hướng tới xây dựng những sản phẩm OCOP của tỉnh. Tất cả những chất liệu đó đã thôi thúc tôi thực hiện đề tài “Hồn đước” và tác phẩm đoạt giải Nhất (phát thanh) của giải Báo chí Trần Ngọc Hy năm nay.
Mừng ngày của nghề năm nay, tôi có thêm động lực là tác phẩm "Mùa ngóng nước" đoạt giải Khuyến khích của giải Báo chí quốc gia. Ðó là những trăn trở về mùa hạn năm 2019, khốc liệt nhất từ trước đến nay, kéo theo những thiệt hại khủng khiếp về đời sống, kinh tế, xã hội của vùng đất cuối trời Nam. Khi đó, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt là bài toán chưa lời giải cho hơn 20.500 gia đình, trông ngóng mỏi mòn nước sạch sinh hoạt. Trong sự thiếu thốn đã có những tấm lòng tử tế sẻ chia nước sạch hơn 10 năm nay mà không lấy chi phí. Từ thực trạng ấy, ngành chức năng tỉnh cũng đã lên phương án, đồng thời tìm nhiều nguồn lực để giải bài toán "khát" nước sạch của bà con trong tỉnh./.
Mộng Thường lược ghi