(CMO) Vụ sập tường tại Khu Công nghiệp huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết, nhiều người bị thương, trong đó xã Trí Phải (huyện Thới Bình) phải tiễn đưa 2 nạn nhân xấu số. Đã nhiều ngày trôi qua, nỗi đau đối với người nhà nạn nhân vẫn còn rất lớn, bao hy vọng về tương lai vụt tắt.
Nhà của ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi, Ấp 6) và anh Nguyễn Văn Đẹp (37 tuổi, Ấp 3) cách nhau chỉ một con sông. Cùng lên chốn thị thành mưu sinh với mong muốn thoát được cái nghèo, nào ngờ, chỉ trong một buổi chiều định mệnh, ngày trở về quê hương lại là 2 cỗ quan tài lạnh lẽo, để lại những khoảng trống vô tận trong lòng người thân và bạn bè.
Nước mắt đã khô
Chị Dương Ngọc Như (vợ anh Đẹp) cùng con gái (giữa) nhạt nhoà nước mắt nhìn di ảnh của người chồng vắn số. |
Giọng nói khàn đặc, đôi mắt đỏ hoe, sưng tấy sau 2 đêm dài vắt kiệt sức để lo tang sự cho chồng, mỗi khi kể lại vụ việc đau lòng, bà Nguyễn Thị Sương (vợ nạn nhân Nguyễn Văn Cường) như chết lặng.
Là người chứng kiến toàn bộ sự việc, đến giờ này hình ảnh hàng trăm khối bê-tông, sắt thép cùng đổ sập trước mắt, cướp đi sinh mạng của chồng bà và nhiều anh em công nhân khác khiến bà ám ảnh khôn nguôi. Bà Sương kể lại, trước đó, chồng bà, ông Nguyễn Văn Cường, đã xuôi ngược nhiều năm ở các tỉnh miền Đông làm phụ hồ. Một phần vì gia cảnh nghèo khó, không đất sản xuất, nên khi có công việc ổn định, ông Cường ra sức làm lụng để có tiền sửa lại căn nhà.
2 tháng trước, một số công trình ở Đồng Nai cần thợ phụ nên bà Sương cũng khăn gói theo làm phụ chồng. Ngày xảy ra tai nạn, bà Sương làm nhiệm vụ kéo hồ để thợ xây tô tường, ông Cường lúc đó còn đứng trên giàn giáo. Đứng bên dưới quan sát thấy bức tường rung lắc, bà Sương hốt hoảng chạy thoát thân. Chỉ trong nháy mắt, toàn bộ bức tường cao hơn chục mét đổ sập xuống vùi lấp chồng bà và nhiều công nhân khác.
“Lúc đó tôi chỉ biết gào khóc, cố gắng bươi quào trong đống đổ nát để cứu người mà quên mất chồng mình đang nằm trong đó, sau hơn 2 tiếng đồng hồ chồng tôi được đưa ra ngoài thì ông ấy đã chết”, bà Sương nghẹn ngào kể.
Hôm đưa ông Cường về nhà, bà Sương gần như không thể trụ vững khi chứng kiến thi thể chồng mình không còn nguyên vẹn. Ngôi nhà cấp 4, được xây mới trên phần đất của ông bà, giờ đây lại nhuốm màu tang thương, bà con chòm xóm đến viếng nhìn di ảnh người quá cố rồi lặng đi. Trong mắt họ, ông Cường là người hiền lành, biết lo cho gia đình, sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn.
“Ban đầu vì nghèo khó nên mới đi xứ người làm ăn kiếm số vốn cất được căn nhà, ổng không ở được bao lâu, giờ đón về thì ổng cũng đi rồi”, bà Sương nói trong nước mắt.
“Mẹ ơi! Sao cha nằm trong cái hộp đó vậy?”
Được bà ngoại bế trên tay trong ngày tang lễ, đến bây giờ đứa con trai 4 tuổi của anh Nguyễn Văn Đẹp vẫn chưa biết từ đây mình đã xa rời hơi ấm của người cha. Số mệnh oan nghiệt đã thẳng tay đẩy chị Dương Ngọc Như (vợ anh Đẹp) vào cảnh mẹ goá con côi, cuộc sống tương lai trước mắt như đánh đố người phụ nữ trẻ mới bước sang tuổi 30.
“Mẹ ơi! Sao cha nằm trong cái hộp đó vậy?” - câu hỏi ngây thơ của đứa trẻ khiến nhiều người có mặt ở tang lễ không cầm được nước mắt. Cô con gái nhỏ mới lên 6 tuổi, dâng chén cơm cúng cha mà dòng lệ tuôn rơi, còn chị Như, nước mắt giờ đây không thể nào khoả lấp được nỗi đau.
Đôi vợ chồng nghèo lấy nhau, khi đó gia đình chỉ được vài công vuông nuôi tôm vụ được, vụ không. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai anh Đẹp, bởi từ nhỏ, sau một cơn bạo bệnh, khiến một bên bàn tay chị Như bị co rút, cơ thể phản ứng chậm chạp. 2 đứa con đang trong tuổi ăn tuổi lớn, cuộc sống gia đình lại thêm chật vật, anh Đẹp đành phải dứt ruột lên Đồng Nai làm phụ hồ để có tiền trang trải cho vợ con ở quê nhà. Và rồi chuyến đi định mệnh đó đã kéo người đàn ông đầy trách nhiệm ra khỏi vòng tay gia đình.
“Chiều hôm đó, khi nghe điện thoại báo về, em không nghĩ chồng em chết, trong đầu em lúc đó không thể nghĩ gì ngoài việc cầu cho anh tai qua nạn khỏi, nhưng rồi hay tin người ta chuyển xác anh về bệnh viện nhờ người nhà đến nhận em như chết đứng”. Chị Như chia sẻ, vụ việc hiện đang được điều tra, nên mọi chi phí mai táng vận chuyển thi hài, lo hậu sự cho anh Đẹp, gia đình phải vay mượn, số tiền đã lên đến hàng chục triệu đồng.
“Bản thân em bệnh tật, không việc làm, còn mẹ già, con nhỏ, em chẳng dám mong gì cho mình, chỉ mong lo được cho 2 đứa nhỏ”, chị Như nghẹn ngào.
Đưa đôi mắt nhìn về xa xăm, bà Huỳnh Thị Tịnh (mẹ ruột anh Đẹp) cố ngăn nước mắt: “Không vì lo cho gia đình nó sẽ không bỏ vợ, bỏ con đi làm ăn xa. Giờ chỉ còn bà cháu nương tựa nhau mà sống”.
Giờ chị Như đã thành goá phụ, con thơ nheo nhóc không còn cha để nương tựa./.
Hữu Nghĩa