Hiện nay, trên các tuyến sông và vùng ven biển trên địa bàn huyện Phú Tân có hơn 10.000 phương tiện thuỷ. Việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện là nhu cầu cần thiết, nhằm đưa phương tiện vào quản lý, đồng thời xác lập quyền chủ sở hữu tài sản của chủ phương tiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thuỷ nội địa ở huyện Phú Tân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, trên các tuyến sông và vùng ven biển trên địa bàn huyện Phú Tân có hơn 10.000 phương tiện thuỷ. Việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện là nhu cầu cần thiết, nhằm đưa phương tiện vào quản lý, đồng thời xác lập quyền chủ sở hữu tài sản của chủ phương tiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thuỷ nội địa ở huyện Phú Tân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Ðội Quản lý giao thông thuỷ, bộ huyện Phú Tân, hiện toàn huyện có 10.763 phương tiện thuỷ nội địa, đến nay chỉ có 3.269 phương tiện đăng ký, đăng kiểm, chiếm 30,4% tổng số các phương tiện hiện có trên địa bàn, gây khó khăn cho công tác quản lý phương tiện của ngành chức năng.
Vùng nông thôn vẫn còn nhiều phương tiện thuỷ không đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển phương tiện cũng không đủ độ tuổi. |
Nguyên nhân phương tiện đăng ký đạt thấp là do người dân chưa ý thức được việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện là nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính người sử dụng. Mặt khác, do phần lớn chủ phương tiện giao thông thuỷ là người ở nông thôn, điều kiện kinh tế cũng như đi lại của bà con còn gặp nhiều khó khăn và đa phần người dân cũng chưa hiểu được việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện có thời hạn sử dụng là bao lâu nên chỉ đăng ký 1 lần rồi không đăng ký lại.
Gia đình bà Phan Thị Nhỏ, ở ấp Cái Ðôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, có 2 phương tiện vỏ composite và máy Volga là phương tiện chủ yếu để kiếm sống của gia đình, hằng ngày ra vào các cửa biển để tìm kế mưu sinh. Các phương tiện này được bà mua sử dụng từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm đầy đủ. Bà Phan Thị Nhỏ nói: "Hồi đó mua, có đăng ký 1 vỏ rồi, còn lại 1 cái chưa đăng ký, mà đăng ký cách đây 3, 4 năm gì đó, rồi không có nghe ai kêu đăng ký lại gì hết nên không biết".
Tương tự, gia đình ông Lê Văn Cưng, cùng ấp Cái Ðôi Nhỏ, cũng có một phương tiện gia đình, là vỏ composite và máy Volga, ông đã sử dụng gần 3 năm nay. Hôm chúng tôi đến hỏi việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm, ông trả lời thản nhiên: "Phương tiện để đi lại gần thôi nên đâu có đăng ký làm gì, với lại hồi mua tới giờ cũng đâu nghe ai kêu đăng ký, đăng kiểm gì đâu".
Phải chăng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức của người dân chưa cao hay chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động đăng ký, đăng kiểm phương tiện? Trong khi đó, cứ khoảng ngày 16 hằng tháng, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện tổ chức đăng kiểm một lần, nhưng đến nay việc quản lý các phương tiện vẫn còn lỏng lẻo.
Ông Phạm Văn Khởi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Phú Tân, cho biết: "Trước đây, Phòng Kinh tế Hạ tầng có phối hợp với các xã, thị trấn, tổ chức đăng ký, đăng kiểm tại xã, nhưng không đạt hiệu quả nên tập trung một điểm về huyện để đăng ký. Phòng Kinh tế Hạ tầng đã có công văn gửi về cho các xã triển khai việc đăng ký đăng kiểm đến người dân biết, nhưng do thời gian quá lâu, người dân lại không hiểu thời gian sử dụng việc đăng ký, đăng kiểm là bao lâu nên không đi đăng ký lại, một phần do lộ giao thông phát triển, nên phương tiện xuồng máy ở gia đình ít sử dụng nên người ta không đi đăng ký".
Ðể khắc phục tình trạng không đăng kiểm phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa, các ngành chức năng cần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cấp xã, thị trấn, cần phổ biến rộng rãi đến tận người dân hiểu được việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện.
Các lực lượng chức năng cần thường xuyên mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý phương tiện nhằm tác động đến ý thức chấp hành của người dân. Ngành giao thông và các địa phương cần điều tra, cập nhật số lượng phương tiện giao thông đường thuỷ hiện có để bảo đảm công tác đăng ký, đăng kiểm đạt kết quả. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, đặt công tác này là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, hàng đầu.
Ông Phạm Văn Khởi nói: "Sắp tới, Phòng Kinh tế Hạ tầng tiếp tục phối hợp các xã, thị trấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân. Ðồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau tổ chức đăng ký, đăng kiểm tại xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến đăng ký".
Quản lý phương tiện thông qua việc đăng ký, đăng kiểm là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, phải coi công tác này là trách nhiệm, nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để nâng cao ý thức chấp hành của người dân./.
Bài và ảnh: Hồng Tươi