ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 22:18:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðất Khánh Hoà nhớ bác Sáu Dân

Báo Cà Mau (CMO) Ngày 7/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau công bố quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm nơi ở và làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Ấp 9, xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (cũ), nay là Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh. Ðây là sự tự hào, niềm vui mừng khôn xiết đối với Khánh Hoà, vùng đất căn cứ địa cách mạng kiên trung, bất khuất. Và lần trở lại trong tháng Giêng non của Tết Nhâm Dần này, những câu chuyện về bác Sáu Dân, như cách gọi thân thương của bà con Khánh Hoà, vẫn đong đầy bao cảm xúc.

Vùng đất kiên trung

Giai đoạn hoạt động của Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ Võ Văn Kiệt trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh chống Mỹ từ năm 1972-1974 tại Ấp 9, xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời (cũ), nay là kinh Công Nghiệp, Xóm Khmer Lớn, xã Khánh Hoà, huyện U Minh được Khánh Hoà lưu giữ như một tài sản vô giá. Ðó không chỉ là những trang sử nằm im, mà còn đó trong lòng đất và người Khánh Hoà những dấu ấn vẹn nguyên, tươi rói.

Ông Chín Anh (ông Trần Quốc Anh, nguyên cận vệ của đồng chí Võ Văn Kiệt) đã cung cấp nhiều tư liệu quý. Theo đó, tháng 10/1970, đồng chí Võ Văn Kiệt về Trung ương Cục nhận nhiệm vụ Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ rồi cấp tốc về Cà Mau. Cà Mau lúc này giặc phản kích điên cuồng, riêng huyện Trần Văn Thời (cũ), từ năm 1969-1972, Mỹ - nguỵ chiếm đóng từ 3 lên 64 đồn. Giặc tăng cường tàu chiến với mật độ cao trên vàm sông Ông Ðốc, đẩy mạnh hoạt động Chi khu Rạch Ráng, lập hàng loạt đồn bót dày đặc chặn các tuyến giao thông huyết mạch hầu hết các xã còn lại.

Khánh Lâm (cũ) gần như bị bao vây, chia cắt. Ðây cũng là trọng điểm giặc thực hiện chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, tiêu diệt căn cứ Khu uỷ, cho cả máy bay chiến thuật B52 oanh tạc và cả pháo hạng nặng từ hạm tàu trên biển hòng băm nát cả U Minh Hạ và U Minh Thượng.

Trong bối cảnh đó, bác Sáu Dân quyết định chọn Khánh Lâm làm nơi đặt căn cứ lãnh đạo từ năm 1972-1974. Ông Chín Anh là người liên hệ trực tiếp với Xã uỷ Khánh Lâm để chọn nơi ở, làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt nhưng phải đảm bảo bí mật tuyệt đối. Lý do được nêu ra đơn giản là làm chỗ an dưỡng cho thương binh. Nơi được chọn là phần đất của gia đình ông Hai Biện (Ðỗ Văn Biện), khi nghe đặt vấn đề, ông Hai Biện gật đầu cái rụp, quả quyết: “Tui cho mượn miếng đất ở bờ đìa hậu đất. Tui theo cách mạng, cần thêm gì cứ nói”.

Ông Ðỗ Minh Thuần, con trai út của ông Hai Biện, cũng là người đang ở phần đất hương hoả của gia đình, cho biết: “Ba má tui kể lại, xứ này hồi đó nhà cửa lưa thưa. Dù chiến tranh ác liệt nhưng ba má tui quyết bám đất, bám nhà, một lòng trước sau ủng hộ cách mạng. Hồi đó cũng đâu có biết là bác Sáu Dân về ở đâu, chỉ biết là công việc cách mạng rồi giữ bí mật. Rau cá ngoài vườn thì cứ để cán bộ tự túc sinh hoạt, không tiếc thứ gì hết”.

Cũng theo lời ông Chín Anh, giai đoạn này, cục diện chiến trường diễn biến hết sức mau lẹ, đồng chí Võ Văn Kiệt đi công tác, di chuyển liên tục, nhiều khi chỉ về nơi đứng chân chớp nhoáng để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo. Căn nhà ở bờ đìa hậu đất ông Hai Biện có bố trí hầm tránh phi pháo, là nơi in đậm dấu chân của đồng chí Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ xuyên suốt 2 năm ròng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đến lúc rời đi.

Tự hào vươn lên

Ông Lâm Hải Ðăng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hoà, phấn khởi cho biết: “Kể từ khi đạt chuẩn xã NTM cuối năm 2015, Khánh Hoà tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, phấn đấu cho mục tiêu cao hơn là đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Mục tiêu ấy đến nay đã đạt 8/13 tiêu chí, kỳ quyết hoàn thành trong năm 2025”.

Nói về sự phát triển hôm nay, ông Ðăng vẫn dạt dào tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương: “Khánh Hoà nói riêng, U Minh nói chung là căn cứ địa cách mạng, nơi từng cưu mang, che chở cho nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của cách mạng, trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt. Cũng từ đó, quê hương Khánh Hoà càng có thêm sức mạnh, niềm tin trong quá trình dựng xây, phát triển”.

Nông dân Trần Thế Hoà, Ấp 7, xã Khánh Hoà, tự hào: “Sống ở nơi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng ở, hoạt động cách mạng, mình nông dân thì phải vươn lên, không chỉ vậy còn phải trang hoàng, làm đẹp thêm diện mạo quê hương”.

Khánh Hoà có gần 300 hộ đồng bào dân tộc (trong tổng số hơn 2.500 hộ toàn xã), từng là địa phương rất khó khăn của huyện U Minh. Chặng đường vươn lên của Khánh Hoà không hề bằng phẳng mà trải qua vô vàn thách thức. Với tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 ở mức 1,67%, quả thật đó là một thành tựu diệu kỳ.

Ông Lê Văn Ðó, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Khánh Hoà, khẳng định: “Khánh Hoà có được thành tựu hôm nay, một phần rất quan trọng là ý thức, sự tự hào của người dân về truyền thống cách mạng của địa phương. Bà con vẫn hay nói với nhau là chiến tranh gian khổ, hy sinh cỡ đó còn vượt qua được, huống gì là vươn lên thoát nghèo. Vả lại, nơi đây là nơi từng che chở cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nghèo hoài thì người ta cười mình sao”.

Những người nông dân như ông Trần Thế Hoà hay anh Dương Hồ Vũ (Ấp 7, xã Khánh Hoà) thì bộc bạch rằng: “Tự hào lắm chớ, xã nhà từng có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về ở, hoạt động mà. Chuyện làm ăn ở đây thì đều đều, dịch giã cũng không ảnh hưởng nhiều, nhưng khó bứt lên. Năm nay, cánh nông dân tụi tui quyết chí mần ăn lớn, coi như là bù cho năm cũ”.

Anh Lê Minh Thành, Công chức Văn hoá - Xã hội xã Khánh Hoà, thông tin thêm: “Coi vậy thôi chớ năm nay bà con ăn Tết sung túc lắm, tôm cua trúng, hoa màu trúng, lại được giá. Bà con nông dân mình coi vậy mà an yên”.

Ðường về di tích nơi ở và làm việc của bác Sáu Dân đã thêm nét mới, một con lộ bê-tông 3 m khang trang, mới tinh vừa hoàn thành vào cuối năm 2021. Phấn khởi hơn, anh Lê Hữu Lợi, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh, cho biết: “Dự án xây dựng di tích đang tích cực triển khai, rất sớm thôi di tích nơi ở và làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ hình thành trên diện tích khoảng 2.000 m2 ngay trên phần đất của nhà ông Hai Biện. Ðây là tin vui, thoả nỗi mong chờ tha thiết của bà con Khánh Hoà suốt từ năm 2016 đến nay”.

Ði trong xuân mới, đất trời Khánh Hoà thêm lộng lẫy, đẹp tươi. Vẳng trong hồn đất, tình người, là mạch nguồn của cách mạng khơi dòng cho biết bao khát vọng lớn lao. Ở đó, phía đất Cà Mau, có một nơi vẫn nồng đượm nỗi nhớ về bác Sáu Dân. Chợt nhớ tới câu thơ của Chế Lan Viên mà thổn thức:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Ươm mầm mơ ước con trẻ

Chủ đề “Nghề nghiệp” là 1 trong 9 chủ đề thú vị được đưa vào chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ được khám phá thế giới nghề nghiệp, hiểu hơn về đặc thù công việc, những vất vả cũng như giá trị mà mỗi nghề mang lại cho xã hội.

Mái ấm để đồng bào an cư

Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát không chỉ cho người dân khó khăn về nhà ở mà các hộ đồng bào dân tộc Khmer ở TP Cà Mau cũng được hỗ trợ. Niềm vui nhân đôi khi những căn nhà đã và đang hoàn thành vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Thầm lặng nghề công tác xã hội

Công việc nhiều hơn, đối tượng yếu thế tăng lên, nhưng nguồn lực làm công tác xã hội (CTXH) vẫn chưa đảm bảo, nhất là nhân lực kế thừa.

214 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025

Sau gần một tháng diễn ra, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Cà Mau, năm học 2024-2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Nắm chắc từng hộ để hoàn thành đúng tiến độ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải tại Hội nghị sơ kết Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát vào chiều 14/4.

Ðổi thay rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc

Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: "Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, chương trình này được xem là chính sách tổng thể, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer".

Trao tình thương, tiếp thêm nghị lực

Ðược triển khai từ năm 2024, mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế tặng hội viên nghèo” của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 6, TP Cà Mau, không chỉ giúp chị em có điều kiện khám chữa bệnh, mà qua đó còn góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên phụ nữ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT).

Ao ông Cả Bảy

Trong hành trình mở đất phương Nam, có những con người không chỉ cần cù chịu khó để tạo lập cuộc sống mà còn làm nhiều việc ý nghĩa giúp xóm làng, cộng đồng và được người đời nhắc nhớ. Ông Lê Văn Hiền ở xứ Bà Ðiều, làng Thạnh Phú (nay là ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) là trường hợp như thế.

Từng bước hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu trên tuyến kênh Lung Lá

Trước những hạn chế về hạ tầng thiết yếu trên tuyến kênh Lung Lá, thuộc địa bàn Khóm 5, phường Tân Xuyên, ngành chức năng thành phố cà Mau đã có những rà soát và định hướng trong thời gian tới nhằm đảm bảo ổn định đời sống người dân nơi đây.

Tập huấn phát hiện sớm bệnh mắt sụp mi, lé ở trẻ em

Ngày 11 và 12/4, tại Bệnh viện Mắt – Da liễu Cà Mau, 40 bác sĩ chuyên khoa Mắt và kỹ thuật viên khúc xạ từ các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và thành phố tham gia khóa tập huấn chuyên sâu về khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh lý mắt thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là sụp mi và lé.