(CMO) Năm học 2017-2018, toàn huyện Năm Căn có 12 trường đến thời hạn công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài chuẩn bị đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện còn kết hợp ưu tiên nguồn vốn cho các trường công nhận lại.
Theo kế hoạch của năm trước, trường Tiểu học xã Hàm Rồng lo ngại nhất là điểm lẻ không hàng rào cây xanh, phòng học xuống cấp. Tuy nhiên, đầu năm học 2017-2018, chủ trương của ngành cho xoá điểm lẻ, do số lượng học sinh không đảm bảo.
Cô Nguyễn Thị Kim Khoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hàm Rồng, cho biết, đầu năm học, Phòng GD&ĐT đã phân bổ vốn cho trường 150 triệu đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời trường vận động xã hội hoá được 40 triệu đồng. Qua đó, trường tiến hành trang trí lại 26 phòng học và phòng chức năng, phòng hành chính của trường; đồng thời sơn lại hàng rào và một số hạng mục khác.
Đến thời điểm này, cơ sở vật chất của trường đảm bảo đủ điều kiện để công nhận lại. Ngoài ra, chất lượng giáo viên trên chuẩn chiếm trên 96%, tỷ lệ học sinh khen thưởng năm học trước trên 71%.
Được biết, trường Tiểu học xã Hàm Rồng nằm trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 của huyện Năm Căn đến năm 2020. Theo cô Nguyễn Thị Kim Khoa, trường cần nâng cấp mở rộng bếp ăn bán trú và phòng ngủ, nghỉ cho các em học sinh, đồng thời nâng cấp nhà đa năng để đảm bảo các điều kiện cho học sinh tham gia sinh hoạt tập thể và tập luyện thể thao. Khi được đầu tư các hạng mục trên thì trường sẽ đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Nhà đa năng của trường Tiểu học Lê Văn Tám được Chương trình SEQAP tài trợ Ảnh: Phương Thảo |
Đối với trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đất Mới, thầy Dương Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường có điểm trung tâm và điểm lẻ cách nhau hơn 10 km. Sau 5 năm công nhận đạt chuẩn quốc gia, qua rà soát các chuẩn quy định vào cuối năm học 2016-2017, trường chỉ còn vướng về chuẩn cơ sở vật chất. Đầu năm học mới này trường được đầu tư các nguốn vốn của tỉnh, huyện để sửa chữa, nâng cấp nền trường, các phòng học cho 2 điểm trường trên 800 triệu đồng. Đến thời điểm này trường đã hoàn thiện các hồ sơ đề nghị công nhận lại.
Được biết, trường Tiểu học Lê Văn Tám có 41 em học sinh nghèo, cận nghèo, 96 em đi đò nhưng không có học sinh bỏ học. Thầy Hùng cho biết, để duy trì sỉ số lớp, trong mấy năm qua, Ban giám hiệu nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm quan tâm sâu sát với các em học sinh thuộc nhóm đối tượng này và ưu tiên các chính sách học bổng, quà tặng, áo phao, cặp học, sách vở... Về chất lượng giáo viên, có 100% giáo viên trên chuẩn; chất lượng giáo dục và các phong trào luôn được tập thể giáo viên quan tâm.
Ông Phan Thanh Việt, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Năm Căn, cho biết, từ đầu năm đến nay, các nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của huyện trên 23 tỷ đồng. Cụ thể đều đầu tư sửa chữa nâng cấp 31 điểm trường trong huyện, trong đó chú trọng đầu tư lại 12 điểm trường nằm trong kế hoạch đề nghị công nhận lại. Riêng trường Tiểu học I thị trấn Năm Căn nâng chuẩn đạt mức độ 2.
Về cơ bản, Phòng GD&ĐT huyện đã hoàn thiện các thủ tục, kiểm tra rà soát các chuẩn, báo cáo đề nghị Sở GD&ĐT kiểm tra công nhận lại 12 trường đạt chuẩn mức độ 1. Tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị dạy và học ở 2 điểm trường công nhận mới.
Kim Hậu