(CMO) Cùng đoàn công tác Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thăm Làng SOS Cà Mau hôm 17/7, bà Phan Lan Hương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tư vấn viên Tổng đài 111 (tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, thuộc Cục Trẻ em) trao đổi với phóng viên báo Cà Mau cùng những bạn trẻ công tác Đoàn nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó có việc dạy con kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.
Với 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực trẻ em, trực tiếp lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, tiếp nhận các cuộc gọi từ gia đình, trẻ em đến Tổng đài 111, bà Lan Hương bộc bạch: “Là một người mẹ, sau mỗi vụ việc tôi đều rút ra kinh nghiệm cho bản thân để bổ trợ công việc, cho gia đình. Những chia sẻ của tôi là dẫn chứng từ thực tế, những câu chuyện có thực đã và đang diễn ra, chứ không xa vời ở đâu hết”.
Dạy con khoảng cách an toàn và tôn trọng cơ thể
Bà Phan Lan Hương (tóc ngắn, đeo kính ngồi phía trên cùng) thẳng thắn chia sẻ những vấn đề về trẻ em đã từng gặp phải thông qua cách tiếp nhận trên Tổng đài 111 và ngoài đời thực. |
Thời gian qua, các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về cả số lượng cũng như tính chất phức tạp. Nếu trước đây nạn xâm hại tình dục trẻ em chỉ diễn ra ở những vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, nay lấn dần sang đô thị.
Người lớn, đặc biệt là phụ huynh thường không có thói quen cho con tiếp xúc hoặc dạy con cách nhận biết, phòng tránh xâm hại tình dục. Có lẽ, đối với cha mẹ đây là nhiệm vụ của nhà trường, hoặc chí ít là con còn quá nhỏ để học, hiểu những vấn đề đó.
Bà Lan Hương nhấn mạnh: “Trẻ đang bị xâm hại theo cách này hoặc cách khác”. Nhiều người lầm tưởng xâm hại chỉ đụng chạm về mặt thể xác, nhưng có những loại xâm hại lại xuất phát từ ngôn từ (khẩu dâm), ánh nhìn.
Theo đó, người lớn thường có thói quen chạm, sờ soạng những điểm nhạy cảm trên cơ thể. Cũng với hành động đó, đối với người lạ, không quen biết thì gọi là xâm hại, còn đối với người quen biết, người thân thì gọi là “yêu thương”, trẻ không phân biệt được thế nào là xâm hại, thế nào là yêu thương.
Một trong những biện pháp hữu hiệu khi dạy con cách phòng tránh, theo bà Hương, là phân luồng độ tuổi và tâm sinh lý. Theo đó, trẻ phát triển theo từng giai đoạn, nên cần dựa vào đặc điểm tâm sinh lý để có biện pháp giáo dục riêng biệt. Ngày nay, trẻ dậy thì khá sớm, nam giới lên 11 tuổi cơ thể sẽ bắt đầu có sự thay đổi về tâm sinh lý, nữ giới thì 9 tuổi.
Trẻ dậy thì sớm một phần do tâm sinh lý, mặt khác, trẻ có tính tò mò và hay bắt chước hành động bắt gặp ở người lớn, những thói quen sinh hoạt như tắm cho con, cho con ngủ cùng... tưởng chừng vô hại nhưng lại tác động không nhỏ đối với trẻ.
Bà Lan Hương chia sẻ: “Cha mẹ thường có thói quen khoả thân, thay đồ trước mặt con, hay ăn mặc không kín kẽ. Tôi từng tiếp xúc với một lớp học có 45 trẻ học lớp 4, khi tôi hỏi ai đã từng thấy bố, mẹ khoả thân thì có hơn 20 trẻ giơ tay, trong đó có 8 bé gái đã từng thấy cơ quan sinh dục của bố ít nhất một lần, bạn nghĩ sao về con số này. Hay đơn giản với việc cho con ngủ chung, khi thấy cha mẹ quan hệ tình dục, trẻ sẽ bị ám ảnh về hành động đó và thực hiện một cách vô thức khi bắt gặp đối tượng khác giới. Câu chuyện đó đã và đang xảy ra khi hiện nay có tình trạng trẻ mầm non xâm hại trẻ mầm non được camera quay lại ở các trường mẫu giáo”.
Chính vì vậy, cách để con tự phòng tránh hữu hiệu nhất là dạy con khoảng cách an toàn, tôn trọng cơ thể. Đầu tiên là nên nhận biết và tránh xa những đối tượng có khả năng xâm hại trẻ.
Bà Lan Hương nhấn mạnh: “Những người có mùi rượu bia (kể cả cha, người thân trong gia đình); hàng xóm, họ hàng có sử dụng chất kích thích; những người đàn ông độc thân lâu ngày (đặc biệt là đã từng có vợ, đàn ông lớn tuổi - đây là đối tượng xâm hại trẻ nhiều nhất); những thanh niên mới lớn nghiện phim sex; kiểm tra độ an toàn của con ở trường thông qua những tình huống, chẳng hạn ở trường con không thích ai nhất, không thích nơi nào, nếu con trả lời là nhà giữ xe, kho bãi, thầy hiệu trưởng, thầy giáo, bảo vệ..., điều đó cho thấy trẻ đang gặp các vấn đề nhạy cảm mà phụ huynh cần tìm hiểu, can thiệp”.
Xoa dịu sang chấn tâm lý cho trẻ bị xâm hại
100% trẻ từng bị xâm hại đều để lại sang chấn tâm lý, điều đó tuỳ thời gian, giai đoạn mà biểu hiện ra bên ngoài, thông thường những sang chấn thường gặp ở trẻ là suy sụp tinh thần; mang thai ngoài ý muốn; viêm nhiễm bộ phận sinh dục; thay đổi tính cách trở nên buông thả bản thân, trầm tĩnh ít nói, hoặc có thái độ bất cần, tự xâm kích bản thân bằng cách gây ra những vết thương trên cơ thể hoặc có thể tự tử.
Vậy nên, khi không may gia đình hoặc người thân, hàng xóm có trẻ bị xâm hại, người lớn, đặc biệt là người thân cần có những kiến thức nhất định để trấn an tinh thần trẻ.
Khi xảy ra vụ xâm hại đầu tiên, cần phân biệt đâu là nơi giám định trẻ bị xâm hại, nhiều người lầm tưởng bệnh viện là nơi giám định nhưng không phải, phụ huynh cần lưu ý cơ quan pháp y của tỉnh đến trình báo và thực hiện các bước thăm khám. Trước khi trẻ đi khám, cần chuẩn bị tinh thần trước cho trẻ, gọi báo Tổng đài 111 nhờ trợ giúp pháp lý hoặc làm việc với cán bộ xã, phường ngay lập tức (mọi chi phí thăm khám về mặt tâm lý sẽ được miễn phí). Đặc biệt lưu ý người thăm khám trái giới tính với trẻ bị xâm hại sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ trong quá tình thăm khám.
Bà Lan Hương cho biết: “Theo thống kê, có hơn 600 cuộc gọi đến Tổng đài 111 trong tháng 6 vừa qua liên quan đến các vấn đề trẻ em”. Điều đó cho thấy xã hội có ý thức hơn trong việc quan tâm đến con trẻ, đặc biệt là mạnh dạn chia sẻ những vấn đề mà gia đình, con trẻ đang gặp phải.
Không chỉ đồng tình và đưa ra nhiều câu chuyện liên quan về trẻ em, đa phần phụ huynh, giới trẻ còn mạnh dạn chia sẻ những khó khăn trong cách mà những kênh truyền thông chính thống đã và đang bị xã hội tẩy chay, đánh đồng với các tổng đài số rác (có cùng 3 con số hiển thị). Đây cũng là cách để những kênh thông tin chính thống có bước nhìn nhận và thay đổi./.
Yến Nhi