(CMO) Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, mô hình "Địa chỉ tin cậy" của Chi hội Phụ nữ Khóm 7, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em trước tình hình bạo lực gia đình ngày càng gia tăng.
Chị Phạm Mỹ Thanh, Trưởng nhóm "Địa chỉ tin cậy" (ĐCTC), chia sẻ: "Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tư vấn được trên 30 vụ bạo lực và bất hoà trong gia đình, ngược đãi trẻ em... Thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ của ĐCTC, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng được hàn gắn, thuận hoà".
Buổi tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ hội phụ nữ cơ sở về Luật Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình. |
Còn tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, từ khi ĐCTC ấp Hoà Đức được thành lập đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong các gia đình thường xảy ra mâu thuẫn.
Bà Đinh Kim L (ấp Hoà Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi), từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, nếu không có sự can thiệp kịp thời của ĐCTC có lẽ bà không có cuộc sống như ngày hôm nay. Những ngày tháng chưa được hỗ trợ, mỗi lần đi sinh hoạt hội phụ nữ, bà đều phải lén lút, vì nếu bị chồng phát hiện sẽ bị đánh.
Các chị thành viên của nhóm ĐCTC thường xuyên đến nhà tư vấn, khuyên nhủ, chồng bà đã thay đổi suy nghĩ, không còn quá gia trưởng, định kiến như trước. Hiện nay, cuộc sống gia đình bà đã có nhiều đổi khác, vợ chồng thông cảm và thấu hiểu nhau nhiều hơn, gia đình hạnh phúc hơn.
Từ thành công ban đầu, Hội LHPN xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi đã thành lập được 12 mô hình ĐCTC ở 12 ấp. Hơn 3 năm hoạt động, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của mô hình, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng được hàn gắn tình cảm. Hội phụ nữ ấp còn thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Không chỉ những bà vợ mà những ông chồng cũng hăng hái tham gia. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức thức của mỗi người, giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, hoà thuận.
Theo chị Phạm Mỹ Thanh, sở dĩ trước đây những vụ bạo lực gia đình ít được công khai bởi tâm lý e ngại của người bị bạo hành. Các chị thường quan niệm chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" là chuyện riêng của gia đình nên không muốn ai biết và không nhờ đến sự can thiệp. Thông qua hoạt động của ĐCTC hay những buổi sinh hoạt hội phụ nữ, được nghe về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... nhận thức về bạo lực gia đình đối với hội viên phụ nữ ngày càng nâng lên.
Chị Hoàng Thị Nhật, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Đức, khẳng định: "Không chỉ hỗ trợ hoà giải cho các cặp vợ chồng, ĐCTC còn phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ. Từ đó, giảm nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc và tình cảm trong gia đình (đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra bạo lực gia đình). Mô hình ĐCTC bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng và là nơi gửi gắm niềm tin của chị em phụ nữ. Đồng thời, giúp phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong thời đại mới"./.
Thanh Phương
Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức các buổi tập huấn, toạ đàm về phòng chống bạo lực gia đình cho 7 huyện, thành phố với hơn 1.000 lượt người tham dự. Mục tiêu tập huấn là giúp cán bộ cơ sở nhận diện được bạo lực gia đình; nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. |