(CMO) Thời gian qua, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh sử dụng phương pháp bản đồ tư duy trong việc dạy học bộ môn Ngữ văn. Phương pháp đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp giáo viên có nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình học Ngữ văn.
Thực tế trong nhà trường hiện nay, nhiều giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tìm tòi trong công tác soạn giảng, tiếp cận lượng lớn tư liệu dạy học nhưng cũng gặp không ít khó khăn về phương pháp giảng dạy. Đa phần tại các trường vẫn còn một bộ phận không nhỏ giáo viên dạy Ngữ văn áp dụng phương pháp dạy học truyền thống, một chiều, vừa gây quá tải về kiến thức, vừa gây nhàm chán cho người học. Nhiều học sinh học theo kiểu học vẹt, học tủ để đối phó trong giờ kiểm tra. Một phần do học sinh bị ràng buộc bởi ngôn ngữ mà giáo viên sử dụng, không tự tin dùng kho từ vựng của mình để diễn đạt, từ đó hứng thú và đam mê với môn văn giảm dần.
Bản đồ tư duy rất phù hợp với việc học nhóm vì nó phát huy khả năng sáng tạo và hợp tác của học sinh trong quá trình tiếp thu kiến thức. |
"Phương pháp bản đồ tư duy không chỉ giúp giáo viên có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn trong việc thiết kế bài giảng mà còn giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong quá trình học. Bản đồ tư duy là công cụ hữu ích trong việc dạy và học, giúp giáo viên và học sinh trình bày các ý tưởng, hệ thống hoá kiến thức của 1 bài học, 1 chủ đề hay 1 cuốn sách một cách rõ ràng, mạch lạc, lô-gíc và đặc biệt là dễ dàng phát triển thêm các ý tưởng mới vào bài giảng cũng như bài học”, thầy giáo Nguyễn Thành Đảm, trường THPT Tắc Vân, TP. Cà Mau, nhận định.
Luôn ủng hộ việc vận dụng phương pháp bản đồ tư duy trong việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn, thầy giáo Phan Thanh Quốc, trường THCS Tân Thành, TP. Cà Mau, chia sẻ: “Sau một thời gian ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy Ngữ Văn, tôi đã nhận thấy được những kết quả khả quan. Tôi tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, linh hoạt trong từng bài dạy. Học sinh hiểu bài nhanh hơn và hiệu quả hơn. Các em còn biết sử dụng bản đồ tư duy để chép bài và tổng hợp, củng cố kiến thức môn học. Học sinh hào hứng hơn trong việc ghi chép bài nhanh, hiệu quả, đặc biệt là trong học tiếng Việt”.
Tiết học văn giờ đây lôi cuốn, hấp dẫn hơn bởi sự xuất hiện của bản đồ tư duy trong từng tiết dạy. Nó tạo hứng thú, khơi gợi cho học sinh tìm tòi, khám phá những điều mới lạ qua văn bản, ghi chép nhanh các bài học.
Em Trần Quang Đầy (lớp 6, trường THCS Định Bình, TP. Cà Mau) cho biết: “Hồi đó em nghe mấy anh chị nói học văn ngán lắm, viết bài, học bài nhiều nữa. Nhưng khi đến lớp, được cô dạy theo phương pháp bản đồ này em thấy rất thích, vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu, dễ học, không ngán một chút nào. Đi học là em mong đến tiết học văn nhất”.
Đang hý hoáy vẽ các bản đồ tư duy với đủ màu sắc sặc sỡ, em Trần Vạn Lý, lớp 10A3 trường THPT Tắc Vân, bộc bạch: “Bản đồ đó giống như một dàn ý giúp em tiếp thu bài và học tốt hơn. Một bài văn sẽ dễ hiểu hơn khi có bản đồ tư duy. Vừa học như vừa chơi, thoải mái, không áp lực. Cơn buồn ngủ kéo đến trong tiết học ngày càng ít hơn. Tốc độ làm văn cũng nhanh hơn, đỡ mất thời gian. Từ đó, em ngày càng có hứng thú học môn Ngữ văn hơn”.
Mong rằng trong thời gian tới đây, phương pháp giảng dạy này được nhân rộng và ngày càng phát huy hiệu quả ở các trường học trong tỉnh./.
Nguyên Thảo
Bản đồ tư duy là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Bản đồ tư duy có cấu tạo như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhỏ mọc xung quanh. “Cái cây” ở giữa bản đồ là một ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm. Nối với nó là các nhánh lớn thể hiện các vấn đề liên quan với ý tưởng chính. Các nhánh lớn sẽ được phân thành nhiều nhánh nhỏ, rồi nhánh nhỏ hơn, nhánh nhỏ hơn nữa nhằm thể hiện chủ đề ở mức độ sâu hơn. Sự phân nhánh cứ thế tiếp tục và các kiến thức, hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Sự liên kết này tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng. |