(CMO) “Đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ chính sách trước Tết, bởi đây không chỉ là hoạt động hành chính thông thường mà còn mang tính nhân văn để những đối tượng được hỗ trợ lần này có được chi phí ăn Tết no ấm, đủ đầy”, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, yêu cầu về việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 3052/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh.
Sáng nay 21/1, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến về việc hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, kịp thời chấn chỉnh, thống nhất nội dung trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 3052/QĐ-UBND quy định tiêu chí xác định đối tượng hoạt động, điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 21, Điều 1, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, ngày 6/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Việt Nhân, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và Việc làm, Sở LÐ-TB&XH, giải đáp các vướng mắc của địa phương. |
Những đối tượng được hỗ trợ lần này gồm: những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối...
Ông Nguyễn Việt Nhân, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và Việc làm, Sở LÐ-TB&XH, cho biết, từ ngày 18-20/1, Sở đã thành lập tổ khảo sát trực tiếp 10 ấp, khóm tại 8 xã, phường của 3 huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, Cái Nước và TP Cà Mau, đã ghi nhận nhiều mặt tích cực. Nhìn chung, cấp xã, phường cơ bản nắm khá rõ chính sách hỗ trợ; tiếp nhận hồ sơ, tổ chức xác minh, xét duyệt, niêm yết danh sách công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện quyết định ngắn, trong khi địa bàn rộng, đối tượng đông, nhiều nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 126/NQ-CP của Chính phủ có thời gian kết thúc gói hỗ trợ vào ngày 31/1/2022; qua theo dõi, khảo sát cho thấy, một số nơi còn lúng túng trong việc xác định tên gọi nhóm nghề, công việc của hộ kinh doanh, hộ gia đình, người làm dịch vụ được hỗ trợ, còn nặng về hỗ trợ cho cá nhân lao động, nên việc thể hiện thông tin trên đơn đề nghị chưa thể hiện rõ yêu cầu (hộ kinh doanh, hộ gia đình, người làm dịch vụ), một số nơi còn thể hiện đối tượng theo Quyết định số 1502 và 1712 của UBND tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện huyện Ngọc Hiển cho rằng, có quá nhiều ngành nghề cần được hỗ trợ nhưng ấp không nắm vững quy định tiêu chí, do đó huyện cố gắng xem xét, thẩm định, kể cả làm việc ngày thứ Bảy, Chủ nhật để kịp tiến độ.
Đại diện xã Đông Thới, huyện Cái Nước thắc mắc, một số nhóm đối tượng như: các tổ hợp tác may, làm bánh kẹo, chả cá, nghiệp đoàn bốc vác; người làm các dịch vụ xe tải, xe khách, lơ xe, người làm vựa tôm, kéo tôm…; người buôn bán quà vặt cổng trường học có được hưởng hay không. Xã Trần Thới có nhóm nghề đặc thù, đề nghị Sở LĐ-TB&XH xem xét có nên bổ sung, như: nghề làm tương, nghề làm tôm khô, cá khô, đục hào, nghề xay thuốc cá, nghề trại cưa, nghề làm chả cá…
Xã Khánh Hội, huyện U Minh đề nghị xem xét, nhóm ngư phủ đặc trưng phải ra khơi, chưa từng bị dừng hoạt động thì có nên hỗ trợ chính sách này hay không.
Giải đáp các ý kiến trao đổi, ông Nhân đề nghị, các địa phương cần xác định rõ: chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh và những người làm dịch vụ quy định tại quyết định này được tính theo hộ gia đình làm dịch vụ, có thu nhập thấp, chỉ hưởng 1 định suất hỗ trợ chứ không mang tính chất hỗ trợ cho cá nhân; và phải đảm bảo phù hợp với điều kiện hỗ trợ tại quyết định.
Theo ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các địa phương cần linh hoạt xác định đối tượng phù hợp nhóm nghề theo quy định, sau đó tiến hành đề nghị hỗ trợ ngay, không nên cứng nhắc. Tuy nhiên, cần lưu ý những nhóm ngành nghề được nhận hỗ trợ đã liệt kê trước đây, tránh trùng lặp, hoặc nhóm nghề không dừng hoạt động dù thực hiện giãn cách xã hội. “Rất cần nâng cao vai trò của cấp huyện, xã trong việc xác định điều kiện, xem xét, thẩm định”, ông Ân nhấn mạnh.
Các nhóm nghề đặc thù tại địa phương hoặc nghề theo thời vụ, như: đan đát, đan lưới, vá lú, lợp la-phông, sửa chữa trần nhà…, nếu phù hợp điều kiện quy định sẽ được nhận hỗ trợ theo hộ gia đình. |
Với đề nghị cho phép được kéo dài trình hồ sơ so với tiến độ, ông Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ những áp lực, khó khăn mà đội ngũ cán bộ cơ sở phải đối mặt ở thời điểm có quá nhiều nhiệm vụ cuối năm. Đề nghị lãnh đạo các huyện, thành phố có sự chỉ đạo, tham mưu kịp thời; đồng thời yêu cầu cán bộ phụ trách chuyên môn theo sát địa phương còn vướng mắc, giải quyết trực tiếp, rõ ràng, chặt chẽ quy trình quy định, thống nhất các huyện thời gian trình, thẩm định và ký quyết định cho đối tượng được hỗ trợ nhanh, sớm và chính xác nhất./.
Băng Thanh