(CMO) Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 18.316 nhà giáo và quản lý giáo dục. Những năm qua, bên cạnh chất lượng, công tác chăm lo cho đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục từng bước được quan tâm, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước, thể hiện được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và khẳng định vị trí quan trọng của nghề giáo trong xã hội.
Từ đời sống vật chất...
Năm nay, cô Nguyễn Ngọc Huyên, giáo viên trường THCS Phan Ngọc Hiển (thị trấn Đầm Dơi) có một cái Tết thật ấm áp trong căn nhà “Mái ấm Công đoàn” vừa được hỗ trợ xây dựng. Trường THCS Phan Ngọc Hiển là trường mới được tách từ năm 2016 nên đều kiện hoạt động hết sức khó khăn, phòng học chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nhà công vụ dành cho giáo viên thiếu, các giáo viên nhà xa phải tranh thủ đi về trong ngày. Riêng cô Huyên, một mình phải nuôi hai con ăn học trong điều kiện nhà ở rất khó khăn. Với tinh thần tương thân tương ái, cô Huyên được công đoàn ngành xét hỗ trợ xây dựng căn nhà, ổn định cuộc sống.
Đời sống ổn định là động lực rất lớn để giáo viên cống hiến hết sức mình. (Ảnh chụp tại trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, huyện U Minh). |
Xen lẫn niềm vui và sự biết ơn mà mọi người đã dành cho mình, cô Huyên tự nhủ: “Sẽ đem hết sức mình dìu dắt học trò để xứng đáng với sự mong đợi và tình cảm mà mọi người đã dành cho mình”.
Phát huy tinh thần đoàn kết, trong năm học vừa qua, LĐLĐ tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 8 căn nhà cho nhà giáo, người lao động trong ngành có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở từ nguồn Quỹ “Mái ấm Công đoàn”. Vận động xây dựng 3 “Nhà đồng nghiệp”.
Tính đến nay, ngành giáo dục tỉnh đang hỗ trợ 7 giáo viên bị bệnh hiểm nghèo. Kết hợp với chính quyền địa phương đồng cấp bảo lãnh cho nhà giáo, người lao động vay vốn từ các nguồn để giải quyết khó khăn và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau Đặng Thuỳ Phương cho biết: “Thời gian qua, cùng sự quan tâm của các cấp, ngành còn có sự chung tay đồng lòng của cả cộng đồng và xã hội. Họ cùng nhau đóng góp để hỗ trợ, chia sẻ phần nào khó khăn với giáo viên, đặc biệt là các giáo viên đang làm việc tại vùng sâu, vùng xa. Dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế, nhưng ngành sẽ cố gắng vận động, hỗ trợ, tiếp thêm động lực để giáo viên nỗ lực hết mình trong công việc”.
... đến đời sống tinh thần
Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề, là người bắt nhịp cầu đưa thế hệ học trò đến với tri thức. Từ xưa đến nay xã hội luôn dành sự tôn trọng dành cho nghề giáo. Bởi lẽ, người thầy không đơn giản chỉ truyền đạt cho học sinh những kiến thức mà còn là người nuôi dưỡng tâm hồn, dạy dỗ các em về đạo đức. Chính vì lẽ đó, nghề giáo cần được hiểu và sẻ chia trước những áp lực và khó khăn trong công việc. Sự đồng cảm ấy chính là động lực tinh thần lớn nhất giúp họ yên tâm cống hiến cho công việc.
Đến trường Mầm non thị trấn Đầm Dơi ngay lúc chuẩn bị giờ ăn cho các bé mới cảm nhận được sự nhọc nhằn của nghề giáo. Các cô tự tay chăm bón, săn sóc các cháu từng muỗng cơm, ly nước. Để dạy dỗ được các cháu, ngoài chuyên môn, các cô còn có cả sự yêu thương, nhẫn nại và hy sinh. Tuy hiện nay có nhiều hình ảnh không mấy “đẹp” về những giáo viên mầm non, nhưng nếu trực tiếp chứng kiến thì có lẽ đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", bởi lẽ vẫn còn không ít giáo viên tâm huyết, vẫn ngày đêm tận tuỵ với nghề bằng cả sự yêu thương.
Cô Nguyễn Thanh Bền, giáo viên trường Mầm non thị trấn Đầm Dơi, vừa cẩn thận xếp lại mền gối và thu dọn đồ dùng học tập của các cháu, vừa trải lòng về nghề của mình: “Mình nghĩ công việc của cô giáo mầm non vất vả và nhiều áp lực nên những lúc nóng vội là không thể tránh khỏi. Nhiều lúc trẻ nghịch ngợm quậy phá, không nghe lời, mình giận lắm, nhưng rồi cũng vì sự hồn nhiên, trẻ con của tụi nhỏ và sự tin tưởng của phụ huynh mình cũng kiềm chế được bản thân”.
Năm học 2017-2018, trường Mầm non thị trấn Đầm Dơi phấn đấu được công nhận là trường đạt chuẩn cấp độ 2. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, tạo nền móng vững chắc cho trẻ bước vào lớp 1 cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đạt được thành tích ấy, cùng với sự quan tâm, chung tay của các cấp, ngành chính là sự cống hiến, nỗ lực hết mình của tập thể giáo viên.
Cô Lê Ái Kiều, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Giáo viên mầm non luôn bị áp lực công việc nhiều bởi họ là người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các bé suốt thời gian dài trên lớp. Họ còn chịu áp lực từ gia đình và những người xung quanh nếu không chăm sóc trẻ tốt. Chỉ cần để xảy ra một sơ suất nhỏ thôi sẽ bị mọi người lên án rồi ảnh hưởng đến cả tập thể. Chính vì vậy, tôi mong các bậc phụ huynh hãy dành sự tin tưởng và có cái nhìn đồng cảm với những giáo viên mầm non. Hãy đồng hành cùng chúng tôi trên con đường chăm sóc và giáo dục trẻ”.
Đến năm 2020, cả nước hoàn thành phổ cập trung học phổ thông, 100% công dân trong độ tuổi thanh niên có trình độ tú tài và 4% dân số có trình độ cử nhân trở lên. Mục tiêu phấn đấu ấy sẽ tiếp tục đặt lên đôi vai nhà giáo nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề.
Do đó, để những người thầy cống hiến trọn vẹn năng lực, trí tuệ và tình yêu thương, rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội./.
Đào Kim