Hội thi Tìm hiểu An toàn giao thông đường bộ cho các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.
Phó Trưởng Phòng Giáo dục TP Cà Mau Trần Xuân Hải cho biết: “Các hoạt động giáo dục của thành phố diễn ra xuyên suốt, trong đó bao gồm cả công tác chuẩn bị cho năm học mới. Theo đó ngay trong năm học cũ, các công việc cần phải làm đã được xác định rõ ràng”.
Năm học mới này, ngành giáo dục thành phố đặt ra những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, việc tiếp tục đổi mới giáo dục theo hướng căn bản, toàn diện và hiện đại được tập trung thực hiện. Quyết tâm của ngành là tất cả học sinh được tiếp cận điều kiện học tập tốt nhất, học tập thực sự là con đường để các em phát triển bản thân, xây dựng tương lai.
Tăng cường đầu tư
Yếu tố ổn định là một trong những nguyên nhân quan trọng để ngành giáo dục TP Cà Mau đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua. Ðiều này được ông Hải khẳng định: “Sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo đã giúp chúng tôi vững tin thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ”. Thông tin từ Phòng Giáo dục thành phố, trong nhiều năm trở lại đây, mạng lưới trường, lớp ổn định, chất lượng và số lượng giáo viên đảm bảo. Ðiều phấn khởi nhất là chất lượng và điều kiện giáo dục giữa vùng nội thị và vùng ven đã hầu như không còn khoảng cách chênh lệch.
Hội thi Tìm hiểu An toàn giao thông đường bộ cho các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: TRẦM NGHĨ |
Ðể chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ tháng 4/2015, Phòng Giáo dục thành phố tham mưu UBND TP Cà Mau khảo sát các điểm trường cần sửa chữa, nâng cấp. Ông Hải thông tin thêm: “Tình hình cơ sở vật chất các trường chúng tôi cập nhật thường xuyên, nếu sửa chữa nhỏ thì phòng chủ động duyệt ngay, ngoài khả năng thì chúng tôi trình xin ý kiến”. Ðến thời điểm đầu tháng 7/2015, phòng đã thống kê được 24 điểm trường cần sửa chữa, kinh phí đầu tư khoảng 2,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, phòng vẫn đang chờ duyệt kinh phí.
Một nội dung quan trọng của ngành trong năm mới là hoàn thành tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn để gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các trường: Mầm non Sao Mai (xã Lý Văn Lâm), Mầm non Vành Khuyên và Tiểu học Tân Ðịnh (xã Tân Thành), Tiểu học Ðỗ Thừa Luông (phường 1) sẽ về đích trong tháng 8/2015; nâng tổng cộng, TP Cà Mau sẽ có 39 trường được công nhận đạt chuẩn.
Về lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn, ông Hải chia sẻ: “Cái khó nhất vẫn là kinh phí đầu tư. Xây dựng trường đạt chuẩn như người đi lên cầu thang, càng cao thì càng nặng chân”. Theo ông Hải, ở những trường còn khó khăn, việc đầu tư là hết sức lớn, hơn nữa phải hướng đến thực chất chứ không chạy theo thành tích nên phải tính toán cẩn thận.
Riêng đội ngũ nhân lực, toàn ngành đang hết sức tự tin để bước vào năm học mới. Kế hoạch tuyển sinh đã ban hành vào đầu tháng 7, không có biến động và điểm nóng nào phát sinh. Ông Hải thông tin thêm: “Công tác điều tiết tuyển sinh, xử lý các vấn đề trong quá trình tuyển sinh chúng tôi đều có phương án. Nhìn chung, số lượng đầu vào không biến động lớn, các trường đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định về chất lượng, số lượng”.
Điểm mới trong thực hiện mô hình trường học mới
Qua trao đổi, Phòng Giáo dục TP Cà Mau đã đề cập đến vấn đề mà chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ đặc biệt quan tâm. Ðó là việc thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN). Các năm qua, thành phố đã triển khai tại 2 trường tiểu học: Ðỗ Thừa Luông (phường 1) và Văn Lang (phường 4). Học sinh đã được tiếp cận mô hình này từ năm lớp 2 và năm học tới, các em chính thức bước vào lớp 6. Phòng giáo dục thành phố cho biết, mô hình VNEN sẽ tiếp tục với các em, và năm nay là năm đầu tiên triển khai ở bậc THCS.
Ðây là chương trình thí điểm của Bộ GD&ÐT, các em được hỗ trợ kinh phí sách giáo khoa, bày trí và dụng cụ học tập suốt thời gian qua. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ GD&ÐT, năm nay sẽ không còn hỗ trợ kinh phí cho các em nữa. Sách giáo khoa của các em cũng khác với chương trình hiện hành, bộ khẳng định các em đăng ký bao nhiêu thì in và bán theo số lượng. Như vậy, các em học sinh hết lớp 5, Trường Tiểu học Ðỗ Thừa Luông và Tiểu học Văn Lang sẽ phải mua sách theo chương trình mới để tiếp tục mô hình VNEN ở bậc THCS. 2 trường THCS tiếp nhận các em là Ngô Quyền (phường 1) và Phan Bội Châu (phường 4) sẽ trực tiếp triển khai. Ông Hải đề nghị: “Phụ huynh có con em theo học chương trình VNEN lưu ý, không mua sách giáo khoa trước, liên hệ với nhà trường để có thêm thông tin”.
Tại điểm Trường THCS Ngô Quyền, khi tiếp tục mô hình thí điểm VNEN lại phát sinh khó khăn. Nguyên nhân là trên địa bàn phường 1 có 2 điểm trường tiểu học, ngoài Trường Ðỗ Thừa Luông theo mô hình VNEN còn Trường Ðinh Tiên Hoàng theo chương trình hiện hành. Do đó, công tác tuyển sinh cũng đã phân theo 2 luồng, việc bố trí giáo viên, chương trình cũng phải phù hợp để đảm bảo việc dạy và học. Ông Hải trao đổi: “Chương trình VNEN là chương trình theo đề án đổi mới, có rất nhiều ưu điểm, học sinh sẽ thâu nhận được lợi ích lâu dài”.
Khuyến nghị của ngành giáo dục thành phố là kêu gọi sự hợp tác, thông cảm và giúp đỡ từ phía phụ huynh trong việc tiếp tục tạo môi trường giáo dục mới cho học sinh. Với các em theo học chương trình hiện hành, nhà trường cũng phải đảm bảo điều kiện, chất lượng giảng dạy cao nhất, không để xảy ra tình trạng phân hoá, gây dư luận không tốt. Vấn đề này cũng đang cần ý kiến, thông tin phản hồi từ các bậc phụ huynh, nhà trường có liên quan để tìm ra biện pháp tối ưu nhất.
Về câu chuyện được dư luận quan tâm suốt thời gian qua là việc đổi mới trong cách đánh giá học sinh bậc tiểu học, ông Hải cho biết: “Dù rất mới mẻ, nhưng sau khi triển khai 1 năm thì mặt ưu điểm đã được kiểm chứng. Công tác tuyển sinh của ngành cũng chưa gặp phải vấn đề gì. Phản hồi của phụ huynh đã dần tích cực hơn, cho thấy tính khả thi của cách đánh giá này”./.
Phạm Nguyên