Kể từ ngày 1/1/2016, Bộ Tiêu chí và Hướng dẫn tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016-2020 do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành có hiệu lực thi hành, nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời rộng khắp toàn quốc. Tại Cà Mau, Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh xác định việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí là nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng đầu năm và đã có kế hoạch cụ thể đến các cấp hội tổ chức vận động các gia đình, dòng họ, đơn vị tham gia đăng ký xây dựng danh hiệu.
Kể từ ngày 1/1/2016, Bộ Tiêu chí và Hướng dẫn tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016-2020 do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành có hiệu lực thi hành, nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời rộng khắp toàn quốc. Tại Cà Mau, Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh xác định việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí là nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng đầu năm và đã có kế hoạch cụ thể đến các cấp hội tổ chức vận động các gia đình, dòng họ, đơn vị tham gia đăng ký xây dựng danh hiệu.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau Lê Văn Vượng cho biết, việc xây dựng các mô hình theo bộ tiêu chí mới sẽ tạo nên không khí thi đua học tập sôi nổi, nhất là giữa các gia đình trong dòng họ. Từ đó, để giữ vững danh hiệu học tập tiêu biểu, các “Gia đình học tập” tiếp tục động viên con em phấn đấu học tập, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ.
Trao học bổng, tập, sách, cặp... là trao cơ hội học tập, học tập suốt đời cho học trò nghèo, vượt khó. |
Theo đó, thực hiện bộ tiêu chí mới, danh hiệu gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học được thay thế bằng danh hiệu học tập. Mô hình xây dựng “Gia đình học tập” gồm bốn chỉ số: về học tập của trẻ em trong gia đình; học tập của người lớn; điều kiện học tập và hiệu quả học tập. Đáng chú ý là trong tiêu chí về điều kiện học tập thì gia đình phải quan tâm, tạo điều kiện cho việc học tập của trẻ và học tập suốt đời của người lớn trong gia đình; có sách, báo và các phương tiện cần thiết phục vụ cho học tập của mọi người.
Mô hình xây dựng “Dòng họ học tập” gồm ba chỉ số: Thứ nhất, hằng năm dòng họ phải có 70% số gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình học tập” (60% trở lên được công nhận danh hiệu); chỉ số thứ hai là xây dựng, duy trì và phát triển được quỹ khuyến học để cấp học bổng cho học sinh nghèo, khen thưởng học sinh giỏi; chỉ số thứ ba là tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Mô hình “Cộng đồng học tập” (dùng cho thôn, ấp, khóm, tổ dân phố) có ba chỉ số cụ thể, như: có 70% số gia đình trong khu dân cư đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”; có chi hội khuyến học hoạt động hiệu quả và có quỹ khuyến học; các gia đình trong cộng đồng tích cực phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo và tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới, khu đô thị văn minh.
Mô hình “Đơn vị học tập” (dùng cho cơ quan, doanh nghiệp, trường học) có ba chỉ số cụ thể. Trong đó, có 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hình thức phù hợp học tập suốt đời; có kế hoạch, có nguồn kinh phí dành cho việc học tập và 60% trở lên số gia đình trong đơn vị đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”.
Theo ông Lê Văn Vượng, khi phong trào học tập suốt đời được đẩy mạnh, mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội gắn chặt hơn, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hoá giáo dục và phong trào xây dựng xã hội học tập. Song song đó, Tỉnh hội phối hợp ngành GD&ĐT, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng hội khuyến học các cấp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, việc học tập trong nhà trường với kết hợp việc học tập ngoài nhà trường sẽ tạo thành phong trào toàn dân tham gia học tập, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
“Để việc xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của tỉnh cũng như các cấp huyện, xã cần có sự khởi động rõ nét để đi vào hoạt động đúng vai trò và trách nhiệm của các thành viên. Đây là giải pháp quan trọng được Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh thống nhất cao, mong đợi ý kiến của UBND tỉnh”, ông Lê Văn Vượng chia sẻ.
Bên cạnh, hội khuyến học các cấp cần hướng đến đổi mới công tác tuyên truyền gắn với mô hình, cách làm hiệu quả về mô hình học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị; trên cơ sở kết quả điển hình, hội phối hợp Sở GD&ĐT và các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết, kiểm tra rút kinh nghiệm, kịp thời nhân rộng để toàn tỉnh học tập. Đặc biệt, đẩy mạnh xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, động viên học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện đến trường, tạo cơ hội được học tập, học tập suốt đời./.
Bài và ảnh: Băng Thanh