So với trước kia thì hiện nay công việc dạy học đã có nhiều sự thay đổi, từ nội dung đến phương pháp và cách tiếp cận một bài học của cả giáo viên và học sinh. Theo thầy Trần Hải Sơn, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cái Nước, để giờ dạy đạt hiệu quả cao thì bao gồm nhiều yếu tố, trong đó chuẩn bị giáo án là một trong những yếu tố quan trọng.
So với trước kia thì hiện nay công việc dạy học đã có nhiều sự thay đổi, từ nội dung đến phương pháp và cách tiếp cận một bài học của cả giáo viên và học sinh. Theo thầy Trần Hải Sơn, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cái Nước, để giờ dạy đạt hiệu quả cao thì bao gồm nhiều yếu tố, trong đó chuẩn bị giáo án là một trong những yếu tố quan trọng.
1. Xác định kiến thức trọng tâm của bài học
Sau bước đầu tiên là đọc kỹ sách giáo khoa, tóm tắt cuối bài, câu hỏi và bài tập mà sách giáo khoa đưa ra, giáo viên cần xác định mục tiêu, kiến thức trọng tâm, kiến thức cốt lõi của bài. Việc xác định kiến thức cốt lõi rất quan trọng, quyết định hướng đi của tiết dạy. Bởi vì khi xác định đúng, bài giảng của giáo viên sẽ trở nên cô đọng, súc tích, vững chắc và đạt được mục tiêu bài học.
2. Sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp
Tuỳ vào từng nội dung bài học và đối tượng học sinh, chúng ta sẽ áp dụng những phương pháp giảng dạy khác nhau. Nhưng sử dụng phương pháp nào, giáo viên đều phải thể hiện được phương châm lấy học sinh làm trung tâm.
Trong quá trình soạn giáo án, nên cố gắng tìm cách chuyển đổi nội dung bài dạy thành các tình huống có vấn đề để dẫn dắt học sinh tự khám phá kiến thức. Ðiều này vừa là yêu cầu của phương pháp dạy học, vừa làm tăng tính sinh động của giờ dạy.
Thực tế, có những bài, những nội dung kiến thức khó chuyển thành các tình huống có vấn đề. Trong trường hợp đó, đòi hỏi người giáo viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, cân nhắc. Nhưng lưu ý, các câu hỏi đặt ra phải hợp lý, có tính định hướng, có tác dụng phát huy trí lực học sinh, tránh sử dụng các câu hỏi vụn vặt, quá đơn giản, ít có ý nghĩa làm tốn thời gian và vô ích; đặc biệt tránh các câu hỏi mà học sinh chỉ cần đọc nguyên xi câu chữ có sẵn trong sách giáo khoa.
3. Tham khảo thêm nhiều tài liệu
Tham khảo những tài liệu có liên quan đến nội dung liên quan đến bài giảng giúp chúng ta hiểu sâu, hiểu thấu đáo các vấn đề; từ đó làm cho việc trình bày các kiến thức của bài giảng được thực hiện một cách tự tin, chính xác, sâu sắc.
Bài giảng sâu thể hiện ở chỗ làm cho học sinh hiểu rõ, hiểu đúng, nắm được bản chất của kiến thức và vận dụng được các kiến thức của bài học để trả lời các tình huống lý thuyết, bài tập và thực tiễn đặt ra.
Khi soạn bài, cần lưu ý đến tính thực tiễn, cần xác định xem những kiến thức nào của bài cần có những ví dụ minh hoạ hoặc vận dụng để giải quyết các tình huống lý thuyết, tình huống thực tiễn và bài tập đặt ra. Ðiều này vừa đáp ứng yêu cầu của bài giảng, vừa làm tăng tính sinh động của giờ dạy.
4. Có thể cấu trúc lại bài soạn cho phù hợp
Hiện nay, ở một số sách giáo khoa, việc trình bày các kiến thức chưa thật sự phù hợp, một số thông tin lạc hậu hoặc có trùng nhau. Vì vậy, khi giảng dạy, giáo viên có thể bố cục lại các phần cho phù hợp theo hướng phát triển năng lực người học hoặc có thể chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động khác phù hợp mà vẫn đạt được mục tiêu bài học
Thang Hoàng Nên (ghi)