(CMO) Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để trẻ được sống, học tập và vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện.
Học sinh trường Tiểu học Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình vui chơi sau giờ học tập căng thẳng. |
Theo số liệu thống kê năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 252.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hơn 3.700 trẻ, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hơn 16.000 trẻ, trẻ em sống trong các gia đình nghèo, cận nghèo hơn 12.600 trẻ; trẻ em có cha, mẹ chết do dịch Covid-19 là 68 trẻ.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ( LĐ-TB&XH), cho biết, công tác trẻ em đã có nhiều chuyển biến tích cực; các quyền của trẻ em ngày càng được quan tâm; nhiều chỉ tiêu về trẻ em được lồng ghép vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đạt kết quả khá tốt. Hiện nay, điều kiện hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em từng bước được cải thiện; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ và thực hiện các chế độ theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.
“Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy chế phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan và vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em và gia đình trẻ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, để trẻ em được quan tâm, chăm sóc và sống trong môi trường an toàn. Song song đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các văn bản liên quan đến trẻ em; chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ, chăm sóc trẻ em”, bà Nguyễn Thu Tư cho biết thêm.
Trẻ em cần môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện. |
Chị Nguyễn Hồng Thắm, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Cà Mau, nhận định, gần 2 năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ nhỏ phải ở nhà quá lâu, ít có sự tương tác với bạn bè và ngay chính gia đình của mình, dẫn đến những sự việc đau lòng xảy ra. Đáng báo động là những vụ việc xâm hại không chỉ đến từ mối nguy người lớn, người thân mà ngay chính trẻ đồng trang lứa.
“Ngay khi xảy ra các vụ việc, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Huyện đoàn đến động viên, chia sẻ; thường xuyên liên hệ nhà trường, nhất là Liên đội để theo dõi diễn biến tâm lý các em để kịp thời hỗ trợ. Bởi lúc ấy, trẻ rất cần sự quan tâm, thấu hiểu và giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi”, chị Nguyễn Hồng Thắm chia sẻ.
Cũng theo chị Thắm, nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ cũng ở mức cảnh báo, nhất là thời gian gần đây xảy ra liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm. Trong tháng 6 này và trong suốt dịp hè năm nay, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo 9 huyện, thành phố tăng cường mở các lớp dạy bơi với tần suất cao hơn, tập trung quan tâm, dạy bơi miễn phí cho trẻ thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có lồng ghép thêm nội dung phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Trẻ em cần trang bị kỹ năng bơi, nắm vững những kỹ năng cơ bản xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước. |
“Chúng tôi không chỉ đẩy mạnh hoạt động trong tháng 6 - Tháng Hành động vì trẻ em, hay chỉ trong hè, mà duy trì xuyên suốt trong các hoạt động, phong trào của thanh - thiếu nhi nhằm giảm thiểu các mối nguy hại đối với trẻ em. Sắp tới, Tỉnh đoàn sẽ tổ chức “Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói” với sự góp mặt của diễn giả tâm lý trẻ em 111. Đây thực sự là diễn đàn để các em, nhất là trẻ yếu thế bày tỏ tâm tư, suy nghĩ… đánh động sự quan tâm của người lớn và ba mẹ đối với các em”, chị Nguyễn Hồng Thắm khẳng định.
Ở góc độ của Sở LĐ-TB&XH, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tập trung vào những việc làm cụ thể như: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hướng dẫn, phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình quốc gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cập nhật, điều chỉnh pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội.
“Việc tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em, các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em là những việc làm cấp thiết thể hiện sự quan tâm, chăm lo trẻ phát triển toàn diện”, bà Nguyễn Thu Tư nhấn mạnh.
Tháng Hành động vì trẻ em năm 2022 có chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Hoạt động trọng tâm: tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình; tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2022; thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Sản - Nhi và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. 7 hoạt động hè cho trẻ từ tháng 6-8: Phòng, chống đuối nước cho trẻ em; hãy lên tiếng phòng, chống bạo lực trẻ em; các hoạt động vui chơi, giải trí; diễn đàn trẻ em “Lắng nghe trẻ em nói”; chương trình “Hoạt động Tháng Hành động trẻ em - không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”; chương trình Vì sức khoẻ và thể chất trẻ em; tổ chức hoạt động ngày gia đình 28/6. |
Phúc An