(CMO) Cải tạo vườn tược để trồng thêm ít rau, nuôi thêm con gà, con cá, giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, hàng rào cây xanh..., từ những việc nhỏ ấy của từng hộ đã góp phần to lớn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Cà Mau là tỉnh có điều kiện tự nhiên khá khác biệt, xa các trung tâm kinh tế lớn; sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu, không có nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, suất đầu tư các công trình dự án lớn; biến đổi khí hậu, gây ra thiên tai, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp... Tất cả đã tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của tỉnh.
Tuy chưa đạt mục tiêu xây dựng NTM theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ Cà Mau đã đề ra, nhưng tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ðặc biệt là nhận thức của hệ thống chính trị và Nhân dân về xây dựng NTM nâng lên rõ rệt. Cuộc vận động “Cà Mau chung sức xây dựng NTM” do tỉnh phát động thật sự trở thành phong trào rộng khắp, đi vào thực chất cuộc sống và thu hút được cộng đồng dân cư cùng tham gia thực hiện; nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Bằng nhiều hình thức vận động, ngày càng nhiều công trình được xây dựng từ nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Ðóng góp gần 1 tỷ đồng cùng Nhà nước để xây dựng cầu, lộ, con số ấy khi nghe có lẽ ít người cho là của 1 hộ dân. Thế nhưng, từ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, ông Thái Văn Lý, Ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình đã đóng góp số tiền ấy để cùng Nhà nước xây dựng con lộ và 2 cây cầu. Không chỉ có ông Lý, từ cuộc vận động này, còn có nhiều tấm gương điển hình hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm trường học, trạm y tế, lộ, cầu... Tiêu biểu như ông Phạm Văn Giang hiến 5.000 m2 đất để xây dựng Trường Tiểu học Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ; bà Nguyễn Thanh Tuyền, Ấp 4, xã Thới Bình hiến 4.000 m2 đất xây dựng trường học; bà Lâm Thị Thó, ấp Tapasa, xã Tân Phú hiến 4.000 m2 đất làm trường học; ông Nguyễn Chánh Ðấu, Ấp 9, xã Tân Lộc và ông Lê Phước Hồng, Ấp 5, xã Tân Lộc hiến đất xây dựng trụ sở văn hoá ấp...
Mới đây, người dân xã Phú Hưng và Tân Hưng, huyện Cái Nước, nhất là các em học sinh điểm Trường Tiểu học Tân Ánh vô cùng vui mừng khi cây cầu dài 45 m, rộng 3,3 m nối liền đôi bờ sông được khánh thành. Ðiều đáng ghi nhận, toàn bộ kinh phí xây dựng cầu hơn 1 tỷ đồng được vận động từ tăng ni, phật tử chùa Bửu Long, TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thành Hữu, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, chia sẻ, thời gian qua các mạnh thường quân trong ngoài tỉnh, người dân trên địa bàn xã đã chung tay cùng địa phương xây dựng cầu, lộ, nhà tình nghĩa và nhiều công trình an sinh xã hội khác. Những đóng góp ấy đã góp phần quan trọng cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội, tiến gần hơn mục tiêu NTM.
Cầu Tân Ánh, xã Phú Hưng được xây dựng hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vận động tăng ni, phật tử chùa Bửu Long tại TP Hồ Chí Minh.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đã có hơn 3.785 km lộ nông thôn được xây dựng mới, đưa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một đồng bộ, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ đó, góp phần để toàn tỉnh có 54/82 xã đạt chuẩn NTM; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (TP Cà Mau). Tuy nhiên, qua rà soát, hầu hết các xã đều hụt chuẩn so với bộ tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao. Theo kết quả rà soát, riêng 54 xã đã đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn 727 tiêu chí, bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã theo chuẩn mới, tức giảm 228 tiêu chí so với chuẩn bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020.
Ðây là một thách thức đang đặt ra không chỉ cho chính quyền các cấp mà cả người dân toàn tỉnh. Ðặc biệt, có nhiều tiêu chí được đánh giá rất khó thực hiện, như giao thông, quy hoạch, nước sạch nông thôn... đòi hỏi cần thời gian và nguồn lực lớn mới có thể thực hiện hoàn thành. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương xây dựng các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ NTM phải có lộ trình, biện pháp, phân công đơn vị thực hiện cụ thể. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cải tạo vườn tạp để phát triển thêm nhiều loại rau màu, cây ăn trái đã giúp người dân xã Tân Hải, huyện Phú Tân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ðể phát huy nguồn lực trong dân xây dựng NTM, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đang tập trung triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp thông minh, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lao động, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và dân cư nông thôn. Trong đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng khu vực; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh./.
Nguyễn Phú