ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 22:12:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đi ăn ong...

Báo Cà Mau (CMO) Dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống dần trở lại bình thường, các điểm du lịch sinh thái “rục rịch” mở lại. Gác lại bộn bề, náo nhiệt và khói bụi chốn thị thành để thư giãn sau bao ngày vất vả làm việc, nhiều người lựa chọn du lịch sinh thái vào dịp cuối tuần, để được hoà mình vào thiên nhiên, thư thái trải nghiệm và tận hưởng niềm vui. Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt (tại Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh Hạ, là điểm đến lý tưởng, thu hút du khách vì chỉ cách trung tâm TP Cà Mau 50 km.

Hơn 10 năm “bén duyên” cùng ngành du lịch, Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt hiện tại sở hữu hàng ngàn kèo ong trên diện tích hơn 60 ha đất rừng. Tuy chưa được đầu tư bài bản, nhưng chính những trải nghiệm thực tế là điểm mạnh của du lịch Mười Ngọt. Trải nghiệm ăn ong chắc chắn sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong mỗi du khách khi đến đây.

Anh Huỳnh Vũ Hoàng, có kinh nghiệm hơn 25 năm hành nghề gác kèo ong, cho biết: “Người đi ăn ong phải chuẩn bị đầy đủ những vật dụng như: lưới bảo vệ để tránh không bị ong đốt; đuốc xông khói bằng xơ dừa để xua đuổi đàn ong ra khỏi tổ; dao cắt ong và thùng đựng mật”.

Trước khi vào rừng lấy mật, người đi ăn ong phải chuẩn bị sẵn đuốc bằng xơ dừa để tạo khói cho ong bay đi.

Hành trình đến với tổ ong, du khách sẽ được len lỏi dưới những tán rừng vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, trong nắng hanh vàng và bầu trời xanh vời vợi.  Cái mát lạnh, trong lành của bóng mát rừng tràm cùng tiếng chim muông sẽ đem đến sự thư thả, an lành trong lòng du khách. Và để tiếp cận được tổ ong, du khách phải men theo lối mòn, chen chân qua cây cỏ để vào trảng tràm con hay trảng sậy mới tìm được kèo mật ngọt. Những tổ ong to có khi cần đến 2 người khiêng. Khoảnh khắc chứng kiến hàng vạn con ong tủa ra với những âm thanh vo vo, xì xèo sẽ làm cho không ít du khách rùng mình, nhưng khi càng tiến đến gần thì càng trở nên hứng thú, phần vì tò mò, phần là phấn khích khi chứng kiến những tảng mật vàng óng được cắt nhanh tay, khi ống mật vỡ, những dòng mật chảy ra sóng sánh, chỉ cần nhìn thôi đã thấy ngọt lịm nơi đầu lưỡi.

Anh Hoàng chia sẻ: “Mình không nên lấy hết tổ ong, bao giờ người ăn ong cũng chừa lại một phần tổ ong trên góc kèo cho ong làm tổ lại và nhanh chân rời đi trước khi ong quay lại tổ”.

Chị Tạ Thị Hồng, du khách tháp tùng chuyến ăn ong, phấn khích: “Đó giờ chỉ thấy cảnh đi lấy mật ong qua ti-vi, nay được theo đoàn du khách đi lấy mật trực tiếp, vừa sợ vừa vui”.

Sản phẩm sau khi ăn ong thu được là mật ong, phấn ong và tàng ong non. Phấn ong sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ cho du khách thưởng thức, phần thì vắt lấy mật, phần ong non sẽ được chế biến thành nhiều món ăn ngon như chiên giòn, làm gỏi và mắm… Theo anh Phạm Duy Khanh (hiện đang quản lý Khu Du lịch Mười Ngọt), từ hạt phấn hoa và mật hoa mà ong thu được, kết hợp với nước bọt của ong thợ để làm nên các viên phấn nhỏ và đó được xem là tinh tuý của đất trời. Phấn ong có nhiều giá trị về dinh dưỡng và y học. Phấn ong mới thu hoạch dạng sáp có màu vàng nghệ, khi nếm có vị beo béo hoà quyện với vị ngọt ngọt, chua chua của mật ong rừng tự nhiên và khá lạ lẫm với nhiều người.

Anh Khanh tâm tình: “Theo truyền thống gia đình, tôi bảo tồn được nghề gác kèo ong nguyên sơ nên cả gia đình tôi làm du lịch, nhưng luôn trân quý cái lung xưa cũ, từng gốc tràm, con cá, con lươn cho đến từng đàn ong về đây làm tổ. Chúng tôi luôn vạch sẵn những kế hoạch làm sao phát huy được thế mạnh du lịch tỉnh nhà, vừa duy trì hệ sinh thái tự nhiên của rừng. Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ chính gia đình mình”.

Khi tự mình ăn ong, du khách còn được tận tay cắt một miếng bánh mật ngon lành, vàng ruộm những ống mật, nhanh tay bỏ vào miệng nhai nhẹ phần sáp ong, mật tươm ra trong khoang miệng kích thích vị giác với vị ngọt dịu trơn tuột, không gắt nơi cổ họng. Mật ong thiên nhiên từ rừng tràm điểm nhẹ vị chua, thoảng hương hoa, sẽ đem đến cho du khách sự khoan khoái khi tận hưởng thành quả của mình sau chuyến ăn ong.

Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt không chỉ phát huy thế mạnh du lịch mà còn duy trì hệ sinh thái tự nhiên của rừng, trong đó có nghề gác kèo ong truyền thống.

Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt còn là điểm trình diễn nghề gác kèo ong và các sản phẩm từ mật ong thương hiệu RUM.CM đạt danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2015” của UBND tỉnh Cà Mau, và là đơn vị có tổ ong lớn nhất Việt Nam được “trình làng” trong chuỗi sự kiện “Hương rừng U Minh” cuối tháng 4 vừa qua tại huyện U Minh. Đến đây trải nghiệm, khi về du khách có thể mua làm quà tặng sản phẩm đặc trưng xứ sở, chất lượng uy tín, giá cả phải chăng như: mật ong nguyên chất, rượu ong, mắm ong, sáp ong.

Sau một ngày vui chơi mệt mỏi, khoảnh khắc ngồi quây quần bên mâm cơm với những món ăn dân dã như gỏi ong, ong chiên bột béo ngậy, chắc hẳn không thể nào thiếu vài xị rượu đế và những giai điệu đờn ca tài tử hò, liu, xàng, xê, cống. Những câu vọng cổ luyến láy, mượt mà tình cảm vi vu trong tiết trời thanh mát dưới tán rừng bạt ngàn tràm xanh, sẽ là một khung cảnh hữu tình vấn vương mãi trong lòng du khách.

Cách làm du lịch tuy chưa thật sự bài bản, nhưng tâm thế của nhà nông làm du lịch như anh Khanh đã nâng được tầm giá trị sản phẩm từ rừng. Khai thác đi đôi với bảo tồn, phát triển là hướng đi mà Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt đang hướng đến./.

 

Kim Cương

 

Liên kết hữu ích

Chiêm ngưỡng hòn đảo đẹp thứ 2 thế giới

Đảo Phú Quốc của Việt Nam vừa được vinh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới, vượt qua cả "thiên đường" Bali của Indonesia. Thành tích này được công bố bởi tạp chí du lịch danh tiếng Travel + Leisure trong khuôn khổ giải thưởng World's Best Awards thường niên, dựa trên bình chọn của hơn 186 ngàn độc giả.

Chư Nâm - Nón xanh cao nguyên

Nằm lặng lẽ giữa vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, núi Chư Nâm (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là một điểm đến còn hoang sơ, ẩn chứa vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Với độ cao khoảng 1.472 m, Chư Nâm không quá hiểm trở như đỉnh Fansipan hay hùng vĩ như Lang Biang, nhưng mang trong mình sự bình yên của một vùng đất chưa bị khai phá nhiều.

Chùa Giác Hoa - Dấu ấn kiến trúc tâm linh của Bạc Liêu

Chùa Giác Hoa toạ lạc tại Quốc lộ 1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu - công trình kiến trúc tâm linh với lịch sử hơn 100 năm tuổi. Ngôi chùa không chỉ là nơi tu tập và hành hương của đông đảo phật tử gần xa, mà còn là biểu tượng giao thoa giữa 2 nền văn hoá Ðông - Tây.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong

Mỗi dịp Rằm tháng Giêng, khi vầng trăng sáng treo cao trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Ma Coong (một nhánh của dân tộc Bru - Vân Kiều), sinh sống tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, lại hân hoan tổ chức Lễ hội Ðập trống. Ðây không chỉ là một nghi lễ truyền thống có từ hơn 300 năm, mà còn là biểu tượng của niềm tin tâm linh, sức mạnh cộng đồng và nét đẹp văn hoá cần được gìn giữ.

Viên ngọc xanh giữa miền Tây Quảng Trị

Nằm ở huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, rừng Phong Hương cách TP Ðông Hà khoảng 70 km, thuộc khu vực miền núi giáp biên giới Lào. Nơi đây nổi bật với rừng phong hương bạt ngàn, hồ Rào Quán thơ mộng và thác Tà Puồng hùng vĩ, là điểm đến mới cho những ai yêu thiên nhiên và thích khám phá.

Trải nghiệm tàu điện Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Tuyến tàu điện Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất TP Hồ Chí Minh với thiết kế tối tân, mang lại cảm giác mới lạ, hứng khởi khi lần đầu được bước chân vào hệ thống giao thông công cộng tiêu chuẩn quốc tế.

Ngắm đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ về đêm

Tối nay 27/1 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức khai mạc. Đây là một trong những con đường đẹp nhất của TP Hồ Chí Minh tại phường Bến Nghé, Quận 1, nằm trải dài hơn 700 m từ trước trụ sở UBND thành phố và tượng đài Hồ Chí Minh đến Bến Bạch Đằng, với nhiều toà nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất. Con đường này trở thành đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều du khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc những ngày du xuân.

Xuân về làng hoa

Là vùng chuyên canh hoa kiểng, làng hoa Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết trong những ngày tiết trời vào xuân, bởi những luống hoa Tết đang vươn mình khoe sắc. Ðến "thủ phủ" hoa Tết lớn nhất nhì miền Tây này, du khách có thể cảm nhận không khí lao động tất bật, nhộn nhịp trên những cánh đồng hoa vào mùa vụ làm ăn lớn nhất trong năm tại đây.

Kỳ diệu Ngũ Chỉ Sơn

Nằm giữa lòng xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Ngũ Chỉ Sơn với năm đỉnh nhọn tựa những ngón tay khổng lồ vươn lên bầu trời xanh thẳm. Với độ cao 2.858 m, đây được xem là một trong những dãy núi hùng vĩ nhất miền Tây Bắc Việt Nam, thu hút những tâm hồn yêu khám phá và say mê vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.

Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bạc Liêu

Toạ lạc tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cách trung tâm TP Bạc Liêu 18 km, là địa chỉ đỏ giáo dục cách mạng cho các thế hệ và trở thành điểm du lịch của địa phương và tỉnh Bạc Liêu.