Khuôn mặt xinh xắn, ngây thơ, tính tình hoạt bát của một bé gái vừa tròn 15 tuổi, ai nhìn vào cũng nghĩ là cô bé này sống trong một gia đình khá giả, hạnh phúc, vậy mà sự thật đến với em lại trái ngược. Em là Lê Quế Trân, học sinh lớp 9, Trường THCS Lâm Ngư Trường, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
Em LÊ QUẾ TRÂN |
Khuôn mặt xinh xắn, ngây thơ, tính tình hoạt bát của một bé gái vừa tròn 15 tuổi, ai nhìn vào cũng nghĩ là cô bé này sống trong một gia đình khá giả, hạnh phúc, vậy mà sự thật đến với em lại trái ngược. Em là Lê Quế Trân, học sinh lớp 9, Trường THCS Lâm Ngư Trường, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
Gia đình của em có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ ly dị, hiện em sống với mẹ, không có nhà cửa nên phải nương nhờ nhà ngoại ở ấp 3, xã Khánh Bình Tây Bắc. Mỗi ngày mẹ của em phải tất bật làm thuê, ai mướn gì thì làm nấy để lo cho em ăn học.
Ngày đầu tiên bước vào lớp 9 cũng là ngày biến động trong cuộc đời em. Không có gì buồn hơn khi cha mẹ thôi nhau và em phải chấp nhận cảnh đứng trước toà để quyết định cuộc đời mình phải sống với cha hay mẹ.
Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em trong năm học 2014-2015. Tôi nhớ rất rõ ngày em đến trường, bước vào lớp lặng lẽ chọn một chỗ ngồi cho mình, rồi im lặng nghe thầy sinh hoạt, ổn định tổ chức đầu năm học. Bỗng nhiên em gục đầu xuống bàn, cả lớp lặng im vì chợt nhận ra tiếng nấc từ em. Tôi bảo bạn ngồi kế bên gọi bạn xem bạn có sao không? Vài phút sau em mới ngẩng đầu lên. Tôi hỏi: “Sao em lại khóc?”. Em nghẹn ngào không nói được thành lời.
Tiếng trống trường vang lên báo hiệu tới giờ ra về. Tôi cố tình mời em ở lại để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với em. Rồi sau vài câu thăm hỏi, tôi mới biết được cha mẹ em mới ra toà ngày hôm qua và em có ý định nghỉ học để phụ mẹ kiếm sống.
Mặc dù mấy năm trước tôi không chủ nhiệm lớp em, nhưng qua công tác giảng dạy bộ môn, tôi cũng biết được gia đình của em có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà em học hành sa sút, ngược lại, em là học sinh tiên tiến trong nhiều năm liền, kể cả ở tiểu học. Tôi ngậm ngùi không biết nói gì trước hoàn cảnh của em, nhưng rồi tôi cũng kịp trấn an và tôi đã tâm sự với em bằng tất cả tấm lòng, không chỉ bằng lương tâm nghề nghiệp mà bằng cả sự từng trải của cuộc đời mình. Tôi chỉ ra hậu quả của việc nghỉ học: “Em có thấy những thanh niên ăn chơi hư hỏng, hay những cô gái sa chân vào cạm bẫy, những cô gái lấy chồng sớm rồi có con sớm, lại tất bật với cuộc sống mưu sinh… Một tương lai không có gì tươi sáng. Ðó là những người không học đến nơi đến chốn, là gánh nặng của xã hội…”.
Em có ước trở thành cô giáo. Tôi đã khuyên em, điều đó sẽ trở thành hiện thực nếu em cố gắng học tập, vượt qua mọi khó khăn trước mắt. Tôi bảo, tôi sẽ đề xuất nhà trường hỗ trợ, giúp đỡ nếu em khó khăn về các khoản đóng góp. Tôi và em tâm sự rất nhiều, tôi kể cho em nghe về cuộc đời của mình, lúc nhỏ tôi cũng đã từng sống trong nghèo khổ, vất vả. Nếu tôi nghỉ học thì giờ này tôi sẽ không ngồi đây tâm sự với em đâu. Em vốn có tố chất thông minh, linh hoạt, nếu em cố gắng học tập, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống thì tôi tin rằng em sẽ là người thành đạt.
Qua ngày hôm đó, em đã từ bỏ việc nghỉ học và tôi nhận thấy sự cố gắng trong em thông qua kết quả sơ kết học kỳ I. Em đã vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi và là người đứng nhất lớp. Ngoài ra, các phong trào thi đua trong nhà trường em đều tham gia rất tốt. Ðặc biệt là em có năng khiếu thể thao. Trong kỳ thi điền kinh cấp huyện, em đoạt Huy chương Vàng môn nhảy xa và chạy 100 m nữ.
Tôi rất mừng vì em là người có nghị lực. Sự cố gắng của em sẽ là liều thuốc quý giúp em vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Em rất xứng đáng được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, nhà trường, của chính quyền địa phương và của cả cộng đồng./.
Võ Thành Mãi, Trường THCS Lâm Ngư Trường,
xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.
(Bài đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết “Thầy và trò cùng vượt khó”)