Hiện nay, nhiều người cảm thấy lo lắng khi căn bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Trong đó, nhiều nhất là ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng và tuyến vú.
Sự hoang mang, lo lắng của người bệnh và người thân trong gia đình là điều không thể tránh khỏi khi biết bản thân mình hoặc người thân không may mắc căn bệnh “tử thần”. Trong hoàn cảnh đó, ngoài việc điều trị theo phác đồ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nhiều người cũng đồng thời tự điều trị theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”, mà phổ biến nhất là bằng phương pháp đông y như uống các loại thuốc nam, thuốc bắc… với hy vọng có thể kéo dài sự sống. Nhưng tất cả các phương pháp trên, đều không có tác dụng cụ thể và cũng chưa có cơ sở khoa học nào để chứng minh tính hiệu quả của nó. Chính cách làm này, đôi khi bản thân người bệnh tự bỏ lỡ “cơ hội vàng” trong quá trình điều trị ung thư.
Bệnh nhân ung thư không nên sử dụng cây thuốc nam để điều trị thay thế cho các phương pháp y học hiện đại. (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhã, Phó trưởng khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Bình quân mỗi tháng khoa phải tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 200 bệnh nhân mắc ung thư. Tuy nhiên, trong số này có gần 30 % số bệnh nhân đã từng hoặc đang sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc. Đa phần là các loại thuốc này đều thuộc dạng trôi nổi trên thị trường hoặc do người dân tự truyền miệng cho nhau. Cây thuốc cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cũng chưa được ngành chuyên môn thẩm định dược tính hoặc hàm lượng độc tố của nó và cũng chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Điều này sẽ rất nguy hiểm bởi có những loại cây thuốc nam có chứa hàm lượng độc tính nhất định, nếu người sử dụng không có kiến thức về thảo dược, không những không mang lại tác dụng trong việc điều trị mà đôi khi còn làm cho bệnh nhân gặp nguy hiểm hơn”.
Một số cây thuốc nam tuy có tác dụng nhất định trong việc hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư cải thiện một số triệu chứng, làm êm dịu thần kinh, giúp cho bệnh nhân cải thiện được tinh thần trong quá trình điều trị ban đầu, nhưng không có tác dụng chữa trị bệnh ung thư.
Thật ra, trên thực tế một số căn bệnh ung thư tiến triển rất chậm như: ung thư tuyến giáp thể biệt hoá, ung thư tiền liệt tuyến… nên các triệu chứng của chúng thường không xuất hiện rõ ràng, thậm chí là trong nhiều năm liền cơ thể người bệnh không có các triệu chứng và thay đổi nhiều. Điều trùng hợp là những bệnh nhân này, trong quá trình điều trị ung thư cũng đã từng và thậm chí là đang sử dụng cây thuốc nam, do đó càng tin rằng do họ sử dụng cây thuốc nam mà bệnh chậm tiến triển, đồng thời đánh giá sai (thậm chí là thiếu niềm tin) về phác đồ điều trị ung thư theo khoa học hiện đại của bác sĩ chuyên khoa ung bướu.
Ông M.C.T, 60 tuổi, ngụ ấp Láng Chiếu, xã Đất Mới, huyện Năm Căn mắc chứng ung thư phổi, di căn sang ruột non và đang được điều trị chăm sóc giảm nhẹ (thời kỳ cuối) tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Từ hai năm nay, khi biết mình mang căn bệnh nan y, ngoài việc điều trị theo phác đồ chỉ định của bác sĩ, gia đình ông cũng tìm kiếm các loại cây thuốc nam, thuốc bắc để hỗ trợ cho ông uống thêm với mong muốn có “phép màu” thần kỳ nào đó trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, lợi đâu chưa thấy chỉ thấy ông ngày càng gầy yếu hơn, một phần là do căn bệnh ung thư di căn tàn phá cơ thể, một phần do tác dụng phụ của việc cùng lúc sử dụng quá nhiều loại cây thuốc nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ khác nhau làm cho ông thường xuyên bị tràn dịch phổi, đau dạ dày, chức năng lọc của thận bị suy giảm…
Ông M.C.T chia sẻ: “Bà nhà và các con của tôi cứ nghe ai nói cây thuốc gì, nơi nào có là đi tìm kiếm cho bằng được về bắt tôi phải uống. Mà ngày nào cũng uống riết rồi tôi chịu cũng hết nổi, nhưng vì có bệnh đành phải ráng thôi”.
Một trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tự ý điều trị theo phương pháp dân gian trong thời gian dài, làm cho diễn tiến bệnh thêm trầm trọng, hiện đang được chăm sóc tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Có thể nói, một số cây thuốc nam tuy có tác dụng nhất định trong việc hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư cải thiện được một số triệu chứng, làm êm dịu thần kinh, giúp bệnh nhân cải thiện được tinh thần trong quá trình điều trị ban đầu. Do đó, người bệnh sẽ có cảm giác như sức khoẻ tốt hơn. Tuy nhiên, khoa học hiện đại vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy việc điều trị theo phương pháp y học cổ truyền, cụ thể là thuốc nam, lại có tác dụng tiêu diệt được tế bào ung thư. Không những vậy, một số trường hợp người bệnh sau thời gian uống thuốc nam, bệnh càng thêm trầm trọng. Nhiều người khi phát hiện mắc ung thư chỉ ở giai đoạn sớm, nhưng đã từ chối điều trị bằng phương pháp hiện đại, thay vào đó chỉ tập trung điều trị theo phương pháp dân gian, đến khi bệnh trở nặng, bệnh nhân trở lại bệnh viện để điều trị, thì các khối u ác tính đã di căn sang các tế bào khác. Giai đoạn này không những việc điều trị không có kết quả như mong muốn, mà chi phí cho các khoản điều trị cũng theo đó tăng cao hơn.
Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều cảnh báo về việc chữa trị ung thư bằng cây thuốc nam hoặc bất kỳ loại thuốc dân gian, thuốc y học cổ truyền nào khi chưa được kiểm chứng đều khiến cho người bệnh thêm “tiền mất, tật mang”. Nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều người mắc ung thư bất chấp nguy hiểm từ lời cảnh báo, đã tự ý điều trị bằng kinh nghiệm dân gian, nên thường dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc. Do đó, người bệnh cần phải hết sức tỉnh táo để có thể lựa chọn cho mình hoặc người thân những phương án điều trị tốt nhất tại các cơ sở y tế có chuyên khoa. Tuyệt đối không nghe theo những lời chỉ dẫn thiếu cơ sở khoa học của các tổ chức hội, nhóm, kể cả của các “bác sĩ online”, không nghe và sử dụng các loại thuốc nam được truyền miệng trong dân gian, để tránh nguy cơ tiền thì mất oan uổng, mà bệnh tật vẫn không được chữa trị khỏi./.
Phương Vũ