(CMO) Chiều ngày 12/8, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Tỉnh uỷ Bến Tre do đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đến thăm và trao đổi kinh nghiệm về các mô hình phát triển kinh tế thủy sản, quản lý tàu cá.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại buổi làm việc.
Thông tin với Đoàn công tác tỉnh Bến Tre, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành tôm ở Cà Mau lớn nhất, chiếm 30% cả nước. Tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng, Cà Mau đa dạng các hình thức nuôi tôm, ngày càng hiện đại và mang lại hiệu quả cao, như: tôm - lúa, tôm - rừng, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp...
Cà Mau đang hướng đến hình thức nuôi tôm theo quy trình phổ biến như: Biofloc, Semi Biofloc, CPF-Combine Program của Công ty CP, kết hợp với nuôi 2-3 giai đoạn. Qua thời gian nuôi, đánh giá hiệu quả loại hình này khá cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 90%, năng suất nuôi đạt từ 40-50 tấn/ha/vụ (tính trên diện tích mặt nước ao nuôi), mỗi năm có thể nuôi 3-4 vụ, năng suất có thể đạt tới 120-150 tấn/ha/năm. Đây là mô hình đột phá, rất có triển vọng phát triển trong tương lai để đạt được mục tiêu về sản lượng và giá trị.
Thuận lợi thì nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương, nhất là về môi trường, quy hoạch, hạ tầng, đặc biệt trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Cà Mau tập trung phát triển ngành tôm của địa phương trở thành trung tâm lớn nhất của Vùng ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh, của đất nước.
Phát triển các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến (chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng) hữu cơ, theo các tiêu chuẩn quốc tế có quy mô lớn để tạo sản phẩm chất lượng cao. Tiếp tục chuyển đổi mô hình nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả sang nuôi tôm siêu thâm canh; quy hoạch các vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung ven biển và ven các sông lớn để tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thoát nước.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ trao tặng quà lưu niệm đến Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bên phải) nhân chuyến Đoàn công tác thăm và làm việc tại Cà Mau.
Nuôi tôm siêu thâm canh mang lại lợi nhuận cao, đây là hướng phát triển của ngành tôm trong tương lai. Hiện diện tích nuôi theo loại hình này chỉ chiếm 1,4% tổng diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh, nhưng nằm rải rác khắp nơi. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, đó là do chưa làm tốt công tác quy hoạch, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất. “Nuôi tôm siêu thâm canh phù hợp với vùng đất ven biển nhằm đảm bảo nguồn nước cấp và thoát, nhưng đưa vào quy hoạch vùng nuôi lại liên quan đến đất rừng”, ông Lê Văn Sử trăn trở.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cùng Đoàn công tác tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng hữu cơ tại Ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, sáng 12/8.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ tặng quà động viên Hợp tác xã sản xuất tôm - lúa hữu cơ xã Trí Lực.
Tại buổi làm việc, hai tỉnh Cà Mau và Bến Tre thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về tình hình thực hiện chống khai thác IUU, phát triển khai thác hải sản; tình hình thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý tàu cá...
Theo con số thống kê, từ đầu năm 2011 đến cuối tháng 7/2022 có 1.602 lượt tàu cá Bến Tre cập, rời cảng, cung cấp 4.000 tấn thủy sản qua cảng tại Cà Mau.
“Phải có quy định chung của quốc gia, trong đó xác định rõ trách nhiệm ngành, địa phương về quản lý tàu cá trong khai thác hải sản theo IUU”, khẳng định điều này, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải mong muốn, trước tiên phải có sự phối hợp giữa các địa phương ven biển.
Đồng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ mong muốn 8 tỉnh ven biển ĐBSCL đồng nhất kiến nghị lên trung ương để Chính phủ có chỉ đạo tổng thể, làm cơ sở pháp lý trong quản lý, xử lý nghiêm minh tàu cá vi phạm IUU, không để vì một vài trường hợp mà ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia, của nghề cá đất nước./.
Trần Nguyên