(CMO) Chiều ngày 20/10, đồng chí Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh tiếp và làm việc với đoàn học viên cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến nghiên cứu, tìm hiểu thực tế về tình hình phát kinh tế - xã hội, lao động và việc làm của tỉnh Cà Mau.
Tiến sĩ Lê Bá Tâm, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học, thông tin, học viên trong đoàn đa phần là những thạc sĩ, tiến sĩ công tác ở các cơ quan, trường, Viện trực thuộc Bộ, ngành Trung ương. Trong chương trình học tập cao cấp lý luận chính trị có nội dung nghiên cứu tìm hiểu thực tế, theo đó cán bộ của Học viện và các học viên mong muốn được đến Cà Mau, vùng đất thiêng liêng và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
“Hy vọng qua đợt nghiên cứu này tăng thêm mối quan hệ gắn bó, tạo thuận lợi giúp Cà Mau phát triển”, Tiến sĩ Lê Bá Tâm chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Bá Tâm, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), hy vọng qua đợt nghiên cứu này tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa Cà Mau với Học viện. |
Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, là tỉnh ven biển duy nhất của Việt Nam có ba mặt giáp biển, là 1 trong 4 ngư trường lớn nhất cả nước; đồng thời nằm ở trung tâm vòng cung khu vực Đông Nam Á, có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc)… nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Tỉnh có 4 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp trong quy hoạch; 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng công suất 1.000 MW.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1.055,4 triệu USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ. Phấn đấu đến năm 2025, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 40% (năm 2022 là 46%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chào mừng và chia sẻ những khó khăn của tỉnh, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Học viện. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử bày tỏ, cùng với những thuận lợi, Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Vì địa phương xa các trung tâm kinh tế của đất nước, nền đất yếu, hạ tầng kém, không có nguồn vật liệu tại chỗ nên suất đầu tư cao, vì thế chưa thu hút nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Hàng năm diện tích đất ven biển bị mất từ 300-400 ha, tỉnh cần khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện kè chống sạt lở.
Để giải quyết những khó khăn trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay, địa phương đề xuất cần có chính sách đặc thù riêng để Cà Mau phát triển bền vững hơn. Định hướng thời gian tới sẽ tập trung phát triển kinh tế biển, trọng tâm là năng lượng tái tạo, vận tải biển, kinh tế thuỷ sản, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử vui mừng khi đoàn học viên cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chọn Cà Mau làm điểm đến để nghiên cứu thực tế. Hy vọng thành viên của đoàn sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm phục vụ tốt công tác trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước nói chung và kết nối giúp Cà Mau khắc phục khó khăn.
Hai đơn vị trao nhau phần quà lưu niệm nhân buổi gặp gỡ, trao đổi. |
Theo chương trình của đoàn tại tỉnh, bên cạnh việc nắm bắt thông tin tình hình kinh tế - xã hội, thầy cô và học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ đi thực tế tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển; tặng 15 suất học bổng cho học sinh nghèo xã Trần Thới, huyện Cái Nước; đóng góp 50 triệu đồng để hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn huyện Cái Nước nuôi trồng thuỷ sản./.
Mộng Thường