“Toàn ngành Tài chính cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết, thống nhất, huy động nguồn lực tài chính để phát triển; cần tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực, kiên quyết chống tiêu cực trong ngành tài chính; cần đổi mới sáng tạo, khai thác tốt nguồn lực cho phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến “Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025”, vào chiều 31/12.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết ngành Tài chính năm 2024. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Điểm cầu Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại chủ trì.
Dù chịu ảnh hưởng lớn của nền kinh tế toàn cầu, tác động đến kinh tế trong nước, song, năm qua, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) được giao, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.
Tính đến ngày 31/12/2024, dự kiến Bộ Tài Chính sẽ hoàn thành 70/71 nhiệm vụ được giao. Đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, kết quả thực hiện ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng.
Công tác điều hành chính sách tài khoá chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kết quả, thu NSNN năm 2024 ước đạt khoảng trên 2.025 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% so dự toán, tăng 15,5% so cùng kỳ; chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; cân đối ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Đã phát hành 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách Trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường; nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép.
Công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 được ngành bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4-4,5%).
Trên lĩnh vực CCHC, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 747, trong đó 347 DVCTT toàn trình, có 108 DVCTT một phần; 292 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đã tích hợp 284 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 3/17 bộ, cơ quan ngang bộ, với 89,18% và đây là năm thứ 10 liên tiếp (từ 2014 - 2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính...
Năm 2025, Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua nghị quyết với chỉ tiêu: Dự toán thu NSNN là 1.970 nghìn tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2.500 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%, dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%; bội chi NSNN là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP; vay trả nợ gốc là 363,6 nghìn tỷ đồng.
Năm qua, công tác điều hành chính sách tài khoá của Bộ Tài chính được đánh giá chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. (Ảnh minh hoạ)
Đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính đạt được trong năm qua, góp phần lớn vào thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, ngành Tài chính cần giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khoá chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.
Thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Đặc biệt, toàn ngành cần rà soát đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Hồng Nhung