Ngành giáo dục Cà Mau đầu tư nhiều trang thiết bị, dần xứng tầm với ngành học, cấp học.
Hiện tại, ngành GD&ĐT Cà Mau đang tập trung huy động nhiều nguồn lực, nhiều giải pháp với quyết tâm thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới (NTM) liên quan đến ngành giáo dục như lộ trình đã đề ra. Với quyết tâm đó, nhiều năm qua, cùng với phong trào xây dựng NTM, ngành giáo dục đã triển khai các hoạt động xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo quy định, phấn đấu nâng chất lượng giáo dục toàn diện.
Với những nỗ lực đó, trong 82 xã toàn tỉnh, đến nay, chỉ còn dưới 5 xã chưa hoàn thành tiêu chí về giáo dục. Với sự quan tâm, đầu tư thoả đáng, ngành GD&ÐT Cà Mau hứa hẹn sẽ về đích tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM.
Nhiệm vụ then chốt
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, trong năm 2014, ngành giáo dục đã tích cực hoàn thiện tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục để góp phần vào việc công nhận 3/82 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM (xã Tắc Vân, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau và xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi).
Ngành giáo dục Cà Mau đầu tư nhiều trang thiết bị, dần xứng tầm với ngành học, cấp học. |
Ngành đã tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 556 trường học ở các cấp từ mầm non đến THPT, giáo dục chuyên nghiệp, với hơn 18.300 giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo nhu cầu học tập của hơn 254.000 học sinh, sinh viên. Ðến tháng 5/2015, toàn tỉnh có 203 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó mầm non có 43 trường, đạt 32,58%; tiểu học có 110 trường, đạt 41,20%; THCS là 49 trường, đạt 41,53% và 1 trường THPT đạt 3,23%.
Nền tảng vững chắc
Năm học 2014-2015, Sở GD&ÐT đã tham mưu cho cấp uỷ Ðảng, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch hành động của ngành thực hiện chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngành đã có những biện pháp tích cực và đồng bộ đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hiện nay, toàn tỉnh có 58/101 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt 57,42%. Trong đó, TP Cà Mau có 17/17 xã, phường; huyện Thới Bình 10/12 xã, thị trấn; huyện U Minh 4/8; huyện Trần Văn Thời 7/13; huyện Phú Tân 4/9; huyện Năm Căn 6/8; huyện Cái Nước 3/11; huyện Ðầm Dơi 6/16 và huyện Ngọc Hiển 1/7 xã, thị trấn hoàn thành chương trình này.
Sở đã chỉ đạo tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, chăm sóc, giáo dục trẻ; triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng. Ðẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non độc lập, tư thục ở các địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, việc học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm đúng mức. Trẻ em dân tộc thiểu số đến trường được quan tâm chăm sóc, giáo dục và đối xử công bằng như các trẻ em khác. Toàn tỉnh có 6.497 học sinh dân tộc thiểu số (chủ yếu con em dân tộc Khmer). Trong đó có 461 trẻ đang học các trường mẫu giáo, mầm non, 6.036 học sinh hiện đang học ở các trường tiểu học, THCS (kể cả trường PTDT) và THPT.
Từ những con số thống kê trên cho thấy, giáo dục Cà Mau đang bước những bước đi phù hợp với xu thế tất yếu. Trong xây dựng NTM hay bất cứ giai đoạn lịch sử nào, giáo dục luôn khẳng định được vai trò nòng cốt của nó - xương sống của sự phát triển./.
Bài và ảnh: Phong Phú