Vài năm gần đây, cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, nhà thi đấu được đẩy mạnh đầu tư trong trường học. Theo đó, ngành giáo dục tăng cường đa dạng các môn thể thao học đường và không ngừng đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp giảng dạy môn giáo dục thể chất (GDTC) ngày càng sinh động, giúp học sinh gạt bỏ cách nghĩ: môn Thể dục chỉ là môn phụ.
Vài năm gần đây, cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, nhà thi đấu được đẩy mạnh đầu tư trong trường học. Theo đó, ngành giáo dục tăng cường đa dạng các môn thể thao học đường và không ngừng đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp giảng dạy môn giáo dục thể chất (GDTC) ngày càng sinh động, giúp học sinh gạt bỏ cách nghĩ: môn Thể dục chỉ là môn phụ.
Tăng sức hấp dẫn
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình Lê Minh Huệ cho rằng, đổi mới dạy học môn Thể dục cần theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh bằng phương cách thi đấu, thi đua, hay biểu diễn dưới dạng trò chơi sẽ tạo hiệu ứng tốt trong học sinh.
Tiết học thể dục của học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh. |
Thực tế từ những tiết học đơn điệu trước đây, học sinh khởi động, tập vài động tác, rồi thi lấy điểm. Trong khi rất nhiều môn như: bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…, các em chỉ học “cho có”, hình thức, cảm thấy nhàm chán hoặc sợ phải học những môn các em không thích, không có khả năng tập luyện. Chẳng hạn như môn cầu lông, không phải em nào cũng khéo léo, nhanh nhẹn để có thể tập được; hay môn nhảy cao, bóng đá... cũng phải tuỳ vào thể chất của các em.
“Không chỉ GDTC cho học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng tích cực tham gia các hoạt động rèn sức khoẻ này. Các đội tuyển giáo viên được thành lập theo sự yêu thích từng bộ môn, cả nam, nữ. Ðặc biệt, 100% đảng viên trong chi bộ đăng ký tập luyện TDTT yêu thích. Hằng năm, nhà trường dự thi các giải đấu cấp huyện, tỉnh đều đạt thành tích cao, sở hữu rất nhiều Huy chương Vàng, Bạc”, cô Lê Minh Huệ phấn khởi.
Thầy Tạ Ðức Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Cà Mau), cho biết, cần hướng GDTC theo hình thức sân chơi rèn luyện sức khoẻ để học sinh có sự lựa chọn. Bên cạnh dạy GDTC chính khoá theo quy định, nhà trường còn đẩy mạnh hoạt động của các đội, nhóm theo sở thích: bóng đá nam, nữ; bóng chuyền nam, nữ; điền kinh… Ðồng thời, tăng cường các hoạt động ngoài giờ, lồng ghép các môn thể thao dân gian như: đẩy gậy, kéo co… Song song đó, Ðoàn trường tổ chức nhiều hoạt động, phong trào TDTT chào mừng các ngày lễ lớn để học sinh, giáo viên có cơ hội “trổ tài”.
Em Hồ Chí Nguyện, lớp 12C3, Trường THPT Thới Bình, chia sẻ: “Tập luyện thể dục, thể thao là để rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực, giảm căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học văn hoá căng thẳng. Em cảm thấy thực sự thích thú với môn học này, vì nó khác môn học kiến thức, cần sự đánh giá kết quả sau quá trình rèn luyện. Hơn nữa, em có thể học và phát huy theo sở trường của mình là bóng đá và bóng chuyền, do vậy, việc đạt điểm số tốt không còn áp lực”.
Quan tâm đúng tầm
Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ÐT Cà Mau, thông tin, hầu hết các cơ sở giáo dục đã đầu tư xây dựng khu dạy thể dục, nhiều trường đã có nhà học đa năng. Những năm qua, ngành giáo dục Cà Mau đặc biệt quan tâm đến chất lượng GDTC học đường, góp phần khích lệ tinh thần học tập và phong trào rèn luyện thể dục trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 100% trường thực hiện tốt chương trình GDTC chính khoá theo quy định; trên 90% trường có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khoá được duy trì thường xuyên. Trong đó, các sinh hoạt dưới hình thức CLB, đội, nhóm TDTT trường học càng được phát triển. Ðặc biệt, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được lồng ghép với phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Hiệu quả của công tác GDTC đã được đánh giá qua các cuộc thi điền kinh, bóng đá do các phòng giáo dục địa phương phối hợp tổ chức hằng năm, cao hơn là Hội khoẻ Phù Ðổng của tỉnh, Ðại hội TDTT tỉnh… Nhiều vận động viên là học sinh, giáo viên thi đấu đạt thành tích cao, chất lượng khá đồng đều, cho thấy các điểm trường nông thôn hay thành thị đều có sự đầu tư, luyện tập. Ðơn cử, ở Phú Tân có phong trào bóng đá cấp tiểu học; Ðầm Dơi, Thới Bình, Trần Văn Thời đều có các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền, cầu lông ở cấp THCS, THPT từng đoạt giải cao.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Dũng, để từng bước bảo đảm trang bị cho công tác giảng dạy và các hoạt động ngoại khoá theo quy chuẩn quốc gia ở các bậc học, đặc biệt là bậc tiểu học, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hoá giáo dục, huy động mọi nguồn lực cùng với nhà trường đầu tư nâng cấp sân bãi, mua sắm dụng cụ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chẳng hạn, với bộ môn bơi lội, để đáp ứng nhu cầu mục tiêu môn này rất khó, đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, song, nhiều trường đã có cách làm hiệu quả như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Cà Mau) đã phối hợp Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức định kỳ hằng tuần cho học sinh các khối lớp học bơi, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ phụ huynh./.
Bài và ảnh: Băng Thanh