(CMO) Những năm gần đây, thời tiết trên biển diễn biến bất thường, dông lốc, sóng to, gió lớn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn. Để ngư dân an tâm bám biển và nâng cao tinh thần đoàn kết hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 20 đội tàu an toàn.
Các đội tàu an toàn mà BĐBP đã xây dựng và duy trì hoạt động thời gian qua được xem như những cánh tay nối dài, là mạng thông tin quan trọng và là những chiếc phao cứu sinh trên khắp vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Trong quá trình hoạt động đánh bắt, các thành viên liên kết lại với nhau, họ chia sẻ, thông báo cho nhau về luồng cá, vùng đánh bắt an toàn. Dù trong hoàn cảnh nào, khi nghe có tàu gặp nạn trên biển là họ sẵn sàng bỏ lưới, nhanh chóng đến cứu hộ, cứu nạn.
Từ ngày đầu thành lập chỉ có 10 thành viên, đến nay đã phát triển lên hàng trăm thành viên. Được BĐBP tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm, các thành viên trong đội tàu tích cực nắm và trao đổi thông tin, tình hình trên biển về các đồn biên phòng. Nhờ kênh thông tin thực tế này, BĐBP đã kịp thời xử lý tốt hàng trăm vụ việc xảy ra trên biển như: cứu hộ, cứu nạn, tranh chấp ngư trường, trộm cắp, các tàu lạ vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Đồn Biên phòng Rạch Gốc kiểm tra, kết hợp tuyên truyền ngư dân chấp hành quy định về trang thiết bị an toàn trước khi ra biển. |
Anh Lâm Chí Phong, thành viên đội tàu an toàn Rạch Gốc, cho biết, để được vào đội tàu an toàn, các tàu thành viên phải đảm bảo có trọng tải từ 50 tấn trở lên, đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện, đầy đủ thủ tục giấy tờ, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về việc ra vào làm ăn trên biển cũng như ở địa phương. Nhiệm vụ của đội tàu là phải giữ liên lạc thường xuyên với nhau khi hoạt động trên biển. Khi nghe tin có tàu cá khác bị nạn phải thông báo cho Đồn Biên phòng Rạch Gốc hoặc các đồn biên phòng gần nhất, tàu nào hoạt động gần khu vực tàu gặp nạn thì đến cứu hộ, cứu nạn ngay.
Do có lợi thế là các thành viên trong đội tàu đa số hoạt động nghề thu mua tôm sú bố mẹ nên việc cơ động trên biển rất nhanh và rộng khắp. Những năm qua, đội tàu này đã cứu hộ thành công hàng chục phương tiện của ngư dân Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận… Gần 100 người thoát chết, được đưa vào đất liền an toàn. Nhiều trường hợp nạn nhân còn được các thành viên trong đội tàu góp tiền làm lộ phí về nhà.
Gần đây nhất, cuối tháng 8/2016, Đồn Biên phòng Rạch Gốc nhận được thông tin tàu đánh cá chìm (số hiệu KG: 90892 TS, do ông Nguyễn Văn Toàn, 34 tuổi, ngụ Hòn Tre, Kiên Hải, Kiên Giang làm thuyền trưởng, trên tàu có tất cả 6 người) cách cửa biển Rạch Gốc khoảng 43 hải lý về hướng Nam Tây Nam, cả 6 người đi trên tàu trôi dạt trong sóng dập, gió cấp 5 - cấp 6. Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã nhanh chóng huy động lực lượng, 2 phương tiện có trọng tải và công suất máy lớn nhất của đội tàu an toàn cùng BĐBP ra biển. 8 giờ sau, lực lượng cứu hộ đã cứu vớt được cả 6 người, đưa về đồn chăm sóc sức khoẻ, sau đó bàn giao cho gia đình.
Trung tá Lê Đình Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Gốc, cho biết, hằng tháng đơn vị và đội tàu an toàn tổ chức gặp mặt, như một buổi giao ban định kỳ, để trao đổi thông tin. Từ đó, đơn vị có kế hoạch chỉ đạo các tổ, đội công tác và định hướng nhiệm vụ cho các thành viên trong đội tàu. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể, thời gian qua công tác nắm, xử lý tình hình trên biển, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn của đơn vị luôn kịp thời, không bị động.
Ngoài công tác tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, các thành viên trong đội tàu an toàn luôn là những người tiên phong trong phong trào giúp các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn. Từ ngày thành lập đến nay, hơn 10 năm qua, các thành viên trong đội tàu và Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã quyên góp xây cất được 3 căn nhà tình nghĩa, trị giá hơn 100 triệu đồng, tặng gần 2.000 cuốn tập cho học sinh nghèo trên địa bàn.
Từ những đóng góp của đội tàu an toàn, Đồn Biên phòng Rạch Gốc nhiều năm liên tục được Bộ Tư lệnh ĐBBP, UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen về công tác phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn./.
Tính từ ngày 13/12/2016 đến ngày 12/6/2017, trên khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau xảy ra 37 vụ tai nạn, 5 vụ cháy và sạt lở đất. Hậu quả, làm chết 16 người, mất tích 8 người, bị thương 2 người; chìm và hư hỏng 13 phương tiện, cháy 2 căn nhà, 2 tàu đánh cá, 1 tàu kéo sà lan, thiệt hại tài sản khoảng 9 tỷ đồng.. |
Anh Vy