Năm học 2015-2016 đã qua nửa chặng đường, 3 tháng nữa, học sinh khối lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Để kỳ thi đạt kết quả tốt nhất, hiện nay, các trường THPT đang dồn sức, tập trung quyết liệt cho công tác ôn thi.
Năm học 2015-2016 đã qua nửa chặng đường, 3 tháng nữa, học sinh khối lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Để kỳ thi đạt kết quả tốt nhất, hiện nay, các trường THPT đang dồn sức, tập trung quyết liệt cho công tác ôn thi.
Kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014-2015, Trường THPT Trần Văn Thời có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 89,5% và 199/219 hồ sơ đăng ký thi đại học có tổng số điểm cao hơn điểm sàn. Tuy nhiên, theo nhận định của thầy Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Thời, mặc dù kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm học trước đạt khá cao, nhưng do năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên công tác ôn thi của nhà trường có phần bị động. So với một số trường trong tỉnh, số tiết ôn thi của trường còn ít hơn.
Tiết học Ngữ văn của thầy và trò Trường THCS-THPT Khánh Hưng. |
Rút kinh nghiệm năm học trước, năm học 2015-2016, ngay từ đầu năm học, nhà trường đặc biệt chú trọng và triển khai kịp thời công tác ôn thi đối với học sinh khối lớp 12. Cụ thể, ngay sau tuần học thứ 2, trường tổ chức cho các em đăng ký các môn thi tốt nghiệp tự chọn, sắp xếp thời khoá biểu và tiến hành ôn thi tốt nghiệp cho các em theo từng môn học vào buổi chiều (2 tiết/môn/tuần). Đồng thời, mở thêm các lớp tăng cường vào các buổi tối đối với các em có nhu cầu ôn thi đại học.
Thầy Hùng cho biết thêm, để tránh tình trạng như năm học trước có một số em thi tốt nghiệp bị liệt môn Toán, sau khi kết thúc học kỳ I, nhà trường chỉ đạo Tổ Toán mở thêm các lớp phụ đạo miễn phí cho những em có nguy cơ bị điểm liệt. Tuy phải tốn thêm thời gian, công sức giảng dạy nhưng thầy cô của trường đều nhiệt tình tham gia. Đồng thời, đối với các em có điểm thấp, nguy cơ rớt tốt nghiệp, vắng học nhiều, nhà trường tiến hành họp riêng các em cùng với phụ huynh để đề ra biện pháp cùng với nhà trường giáo dục, động viên các em.
Song song đó, sau khi kết thúc học kỳ II, nhà trường sẽ mở các nhóm học theo môn vào các buổi tối để các em học kém tham gia theo hình thức trao đổi nhóm, nhằm giúp các em tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Từ nay cho đến kỳ thi diễn ra, ngoài việc tiếp tục tập trung thực hiện công tác ôn thi, nhà trường cũng sẽ tiến hành thêm 2 đợt thi thử nữa, dự kiến vào giữa tháng 5 và tháng 6.
Thầy Lê Văn Thông, giáo viên dạy môn Địa lý của trường, bộc bạch: “Năm học này, đối với môn Địa lý, nội dung đề thi có sự thay đổi, nghiêng về sự hiểu biết của học sinh chứ không phải học thuộc bài như trước. Do đó, công tác ôn thi cũng đổi mới. Tức là, trước đây thầy chỉ cần cung cấp tài liệu, trên bảng đặt câu hỏi, giải thích cho học sinh học thì nay chỉ cung cấp kiến thức cơ bản, còn câu hỏi nâng cao, hiểu thì học sinh tự làm, mình sẽ giảng dạy lại”.
So với một số trường THPT trên địa bàn huyện, số lượng học sinh khối lớp 12 hằng năm của Trường THCS-THPT Khánh Hưng không nhiều. Năm học 2015-2016, nhà trường chỉ có 2 lớp 12, với 67 học sinh. Thế nhưng, không vì số lượng học sinh ít mà công tác giảng dạy, ôn thi bị lơ là; nhà trường luôn chú trọng chất lượng giảng dạy và đề ra nhiều giải pháp để giúp các em yếu, kém nâng cao năng lực, đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT “2 trong 1” sắp tới.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12C2, Trường THCS-THPT Khánh Hưng, thầy Trịnh Công Nghiệp chia sẻ: “Mình tư vấn, hướng nghiệp cho các em lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cuối tuần, ngoại khoá. Trao đổi với các em về các ngành, nghề trong tương lai, xã hội đang có nhu cầu, hướng các em đến cái nghề hơn cái ngành. Vì trên thực tế rất nhiều em học ngành, ra trường không xin được việc làm. Hướng dẫn các em lựa chọn ngành, nghề cần phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh kinh tế gia đình”. |
Thầy Nguyễn Vũ Lan, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Khánh Hưng, cho biết, đối với công tác ôn thi, năm học này, nhà trường có sự chủ động hơn. Từ đầu năm học, nhà trường tổ chức cho các em đăng ký các môn tự chọn và tiến hành phân lớp. Các giáo viên bộ môn cũng chuẩn bị tư thế sẵn sàng ngay từ đầu năm, vừa học vừa ôn theo hình thức cuốn chiếu, sâu sát và có sự phân loại đề. Ngoài ra, nhà trường thay đổi thời gian truy bài đầu giờ từ 15 phút lên 30 phút để giáo viên bộ môn tăng cường ra đề, hướng dẫn bài tập, kiểm tra, theo dõi mức độ học tập của các em, thông qua đó có giải pháp cùng với phụ huynh giáo dục, động viên các em học tập.
Không chỉ quan tâm công tác ôn thi, ngay từ cuối học kỳ I, nhà trường đã đề ra kế hoạch, giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Thầy Lan cho biết thêm: “Năm học trước, nhà trường cùng với ban phụ huynh học sinh hỗ trợ 7 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi em 500.000 đồng. Đồng thời, tổ chức đưa các em đi thi và tìm chỗ ở ổn định cho các em. Năm học này cũng vậy, để tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho các em, nhà trường sớm rà soát danh sách các em mồ côi, nghèo để có giải pháp hỗ trợ về vật chất. Ngoài ra, trường cũng đã liên hệ với Trường Cao đẳng Nghề của tỉnh hỗ trợ các em chỗ ở.
Thầy Hùng cho biết: “Khi học sinh thắc mắc có thể gặp trực tiếp thầy, cô tại văn phòng hoặc đặt câu hỏi trên trang web, thầy, cô sẽ nghiên cứu và trả lời cho các em. Ngoài ra, vào các buổi Chủ nhật thích hợp, trường sẽ kết hợp với một số trường đào tạo tổ chức buổi giao lưu trực tuyến. Các em rất quan tâm, hào hứng tham gia. Từ đầu năm học đến nay, trường đã giúp nhiều em giải đáp thắc mắc, trăn trở”./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh