Hôm chúng tôi tìm đến Trạm Y tế xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước trời đang mưa dầm, chỉ có nhân viên trực cấp cứu ở lại trạm. Hầu hết lực lượng y, bác sĩ của trạm đều tham gia cùng với các ngành, đoàn thể ở địa phương xuống địa bàn tổ chức phun xịt diện rộng trong chiến dịch diệt trừ muỗi và lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo định kỳ.
Hôm chúng tôi tìm đến Trạm Y tế xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước trời đang mưa dầm, chỉ có nhân viên trực cấp cứu ở lại trạm. Hầu hết lực lượng y, bác sĩ của trạm đều tham gia cùng với các ngành, đoàn thể ở địa phương xuống địa bàn tổ chức phun xịt diện rộng trong chiến dịch diệt trừ muỗi và lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo định kỳ.
Bà Ðào Tố Hoa, Phó Trưởng Phòng Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, cho biết: “Ðầu năm 2016 đến nay, mặc dù trên địa bàn huyện Cái Nước đã xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết mới và bùng phát trở lại các ổ dịch cũ tại một vài địa bàn. Riêng xã Ðông Hưng, do lãnh đạo địa phương chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm nên tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn xã hiện có 200 trên tổng số 2.500 hộ dân có bể nuôi và nhân giống thành công cá bảy màu, cung ứng cho hơn 80% hộ dân của xã thả nuôi trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt thường ngày để diệt lăng quăng, diệt muỗi.
![]() |
Nhân viên Trạm Y tế xã Ðông Hưng thường xuyên kết hợp với các ngành, đoàn thể và chính quyền ở địa phương kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. |
Chị Nguyễn Thị Diệp, ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng, chia sẻ: “Nhà tôi năm nào cũng thả nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng. Trước đây, do chưa nắm bắt được cách nuôi nên cá rất dễ chết. Nhờ các anh chị ở Trạm Y tế xã thường xuyên kiểm tra và tận tình hướng dẫn nên bây giờ lượng cá ở gia đình tôi sinh sản rất nhiều, muỗi vằn vì vậy cũng ít hơn”.
Ngoài vận động người dân nuôi cá bảy màu, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, nhân viên Trạm Y tế xã Ðông Hưng còn thường xuyên kết hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể ở địa phương tích cực đến từng hộ dân, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ để kiểm tra, hướng dẫn việc phòng, chống muỗi đốt.
Y sĩ Nguyễn Tương Lai, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ðông Hưng, tâm sự: “Nhân dân xã Ðông Hưng ý thức rất tốt trong phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, lãnh đạo xã cũng có sự chỉ đạo rất kỳ quyết nên Ðông Hưng là địa bàn có ít trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết nhất (chưa tới 10 ca), trong tình hình toàn huyện Cái Nước đang trở thành điểm nóng vì dịch bệnh này như hiện nay”.
Như để minh chứng cho những thông tin vừa nêu, Y sĩ Nguyễn Tương Lai đưa chúng tôi đi thăm một số hộ gia đình ở các ấp trong xã như Tân Phong, Nhà Thính… Ði đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự bình yên trong mỗi gia đình, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt đều được đậy nắp cẩn thận, nhà cửa và chung quanh nơi ở đều được phát quang, dọn dẹp sạch sẽ, thoáng mát. Phong trào phòng bệnh trong cộng đồng được phát huy rất hiệu quả, mà ở đây các tổ y tế cơ sở chính là lực lượng nòng cốt trong công tác phát động Nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Rốt, cộng tác viên Tổ Y tế ấp Trọng Ban, là một trong những nhân viên y tế cơ sở có nhiều năm kinh nghiệm, năng động của xã Ðông Hưng. Phần lớn thời gian trong ngày ông đều dành để đi đến từng nhà của bà con trong ấp tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh nơi ở… Nếu hộ dân nào không thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, để ảnh hưởng đến sức khoẻ của các thành viên trong gia đình và cộng đồng, sẽ được chính quyền địa phương nơi đó mời họp dân để nhắc nhở và kiểm điểm nghiêm túc.
Nhờ vậy mà ấp Trọng Ban là một trong nhiều ấp của xã Ðông Hưng suốt gần 10 năm liền chưa từng xảy ra trường hợp nào bị mắc sốt xuất huyết, cũng như các dịch bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa khác. Cách làm này được Nhân dân đồng tình và hưởng ứng rất tích cực, tạo lòng tin trong Nhân dân.
Có thể nói, địa phương nào hệ thống chính trị thật sự vào cuộc và có trách nhiệm, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết, thì nơi đó hiệu quả thu được sẽ rất cao. Và Ðông Hưng, huyện Cái Nước là một điển hình như vậy./.
Bài và ảnh: Hiền Sĩ